Đấu thầu chọn nhà đầu tư lĩnh vực thoát nước: Chờ đơn giá và cổ phần hóa

(BĐT) - Định hướng phát triển lĩnh vực thoát nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2050 xác định phải thông qua đấu thầu để từng bước xã hội hóa dịch vụ công ích… 
Đẩy nhanh cổ phần hóa các doanh nghiệp thoát nước sẽ giúp nâng cao khả năng cạnh tranh khi tổ chức đấu thầu cung cấp dịch vụ thoát nước. Ảnh: Lê Tiên
Đẩy nhanh cổ phần hóa các doanh nghiệp thoát nước sẽ giúp nâng cao khả năng cạnh tranh khi tổ chức đấu thầu cung cấp dịch vụ thoát nước. Ảnh: Lê Tiên

Xác định đơn giá dịch vụ và đẩy nhanh cổ phần hóa các doanh nghiệp trong lĩnh vực này là giải pháp để nâng cao hiệu quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án thoát nước.

Phải sớm ban hành quy chuẩn định mức đơn giá

Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết, định hướng phát triển thoát nước đô thị Việt Nam là thúc đẩy xã hội hóa trong quản lý, vận hành hệ thống thoát nước hiệu quả thông qua đấu thầu cung cấp dịch vụ thoát nước. Đến nay, Việt Nam có khoảng 37 nhà máy xử lý nước thải tập trung với tổng công suất thiết kế 890.000m3/ngày đêm, đến năm 2020 sẽ có thêm khoảng 50 nhà máy xử lý nước thải với tổng công suất khoảng 2 triệu m3/ngày đêm.

“Hiện cả nước có ít nhất 15 tỉnh, thành xây dựng và thực hiện lộ trình giá dịch vụ thoát nước với nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí vận hành và bảo dưỡng, cân đối thu chi trên cơ sở chất lượng dịch vụ và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương”, bà Trần Thị Thảo Hương, Phòng Quản lý thoát nước và xử lý nước thải thuộc Cục Hạ tầng kỹ thuật cho biết.

Hiện nay, trên cả nước mới chỉ có 1/5 số tỉnh, thành đã ban hành định mức, đơn giá dịch vụ. Có thể kể đến Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thái Nguyên, Bắc Giang… Trong khi đó, mới chỉ có 1/4 số tỉnh, thành công bố quy hoạch thoát nước chuyên ngành. Chính vì chưa ban hành bộ quy chuẩn đơn giá, định mức trong lĩnh vực thoát nước đô thị nên nhiều gói thầu, dự án trong lĩnh vực này gặp vô số trở ngại dẫn đến chậm triển khai, khó khăn khi thực hiện đấu thầu. “Điều này không chỉ thấy rõ ở các tỉnh, mà ngay cả các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM cũng đã và đang gặp. Nhu cầu xây dựng bộ quy chuẩn đơn giá, định mức để tính đúng, tính đủ chi phí của các gói thầu thoát nước đô thị đang đặt ra vô cùng cấp thiết, vì nó giúp sử dụng hiệu quả ngân sách, phát huy tối đa nguồn lực tư nhân cho lĩnh vực này”, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật Nguyễn Hồng Tiến nhấn mạnh.

Theo Vụ Kết cấu hạ tầng và đô thị (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chính vì chưa có bộ quy chuẩn hướng dẫn xây dựng định mức, đơn giá nên lĩnh vực thoát nước vẫn chưa thực sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. “Chúng ta cần sớm xây dựng, hoàn thiện bộ tiêu chuẩn, định mức, đơn giá trong lĩnh vực thoát nước để khi triển khai đấu thầu, các doanh nghiệp, nhà đầu tư dễ dàng tham gia các dự án thoát nước”, một chuyên gia thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất. 

Cổ phần hóa và ủy thác cho tư nhân vận hành

Cục Sáng tạo môi trường TP. Yokohama (Nhật Bản) chia sẻ, từ kinh nghiệm của Nhật Bản cho thấy, việc tổ chức lựa chọn nhà thầu tại các dự án thoát nước được Nhật Bản cực kỳ coi trọng. Nhật Bản cũng rất quan tâm đến khâu kiểm tra, giám sát để xem nhà thầu thực hiện có phù hợp hay không.

“Không chỉ cắt giảm chi phí, mà còn phải xây dựng quan hệ hai bên cùng có lợi giữa khối công và tư nhân để chia sẻ khi cung cấp dịch vụ công ích. Nhà thầu là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, có sự độc lập rất lớn về vốn sở hữu đối với Nhà nước. Do đó, hoạt động quản lý, vận hành hệ thống thoát nước được triển khai có tính giám sát, giải trình cao. Cổ phần hóa các doanh nghiệp thoát nước ở Việt Nam là một trong những mấu chốt của việc nâng cao hiệu quả hoạt động ngành thoát nước”, chuyên gia Nhật Bản khẳng định.

Đối với Việt Nam, cổ phần hóa các doanh nghiệp  thoát nước là rất cần thiết, phù hợp với chủ trương của Chính phủ. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng bày tỏ quan ngại về nhiều khó khăn, vướng mắc như việc định giá tài sản của hệ thống thoát nước (thuộc sở hữu nhà nước); việc giao chủ sở hữu thuê đơn vị quản lý, vận hành; thúc đẩy xã hội hóa trong đầu tư xây dựng và quản lý, vận hành; giá dịch vụ thoát nước chưa được ban hành…

“Trong thời gian tới, ngành thoát nước sẽ tiếp tục nghiên cứu, thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp thoát nước nhằm thúc đẩy xã hội hóa trong lĩnh vực này. Đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp thoát nước sẽ là “bản lề” để nâng cao khả năng cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả khi tổ chức đấu thầu cung cấp dịch vụ công về thoát nước”, đại diện Bộ Xây dựng chia sẻ.

Chuyên đề