Dấu hỏi về hàng chục nghìn cuộc thầu chưa công khai

(BĐT) - Tại Văn bản mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) gửi Thủ tướng Chính phủ về Báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu năm 2016, Bộ KH&ĐT cho biết, có 119 đơn vị đã gửi báo cáo về Bộ. 
Số lượng kết quả lựa chọn nhà thầu được công khai chỉ chiếm khoảng 1/3 số lượng gói thầu thực hiện theo Luật Đấu thầu. Ảnh: Tất Tiên
Số lượng kết quả lựa chọn nhà thầu được công khai chỉ chiếm khoảng 1/3 số lượng gói thầu thực hiện theo Luật Đấu thầu. Ảnh: Tất Tiên

Nhìn từ báo cáo của các bộ ngành, địa phương, đơn vị gửi về Bộ KH&ĐT và Báo cáo của Bộ gửi Thủ tướng có thể đặt ra những dấu hỏi về việc tuân thủ quy định để đảm bảo minh bạch trong công tác đấu thầu.

Dấu hỏi về công khai kết quả lựa chọn nhà thầu

Theo Báo cáo, trong năm 2016, trên cả nước có 196.721 gói thầu thực hiện theo Luật Đấu thầu năm 2013. Trong khi đó, Báo cáo cho biết, tính đến ngày 31/12/2016, có 80.413 thông báo mời thầu được đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Đồng thời, năm 2016, Báo Đấu thầu đăng tải 80.413 thông báo mời thầu, 1.499 danh sách ngắn, 61.117 kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư và 6.946 thông báo hủy/gia hạn/điều chỉnh/đính chính thông tin đã đăng tải.

Theo quy định tại Điều 8 Luật Đấu thầu 2013, kết quả lựa chọn nhà thầu là một trong những nội dung phải đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, Báo Đấu thầu. Vậy, nhìn từ những con số trên đây, có thể thấy số lượng kết quả lựa chọn nhà thầu được công khai trên Báo Đấu thầu và Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia chỉ chiếm khoảng 1/3 số lượng gói thầu được thực hiện theo Luật Đấu thầu; chiếm khoảng hơn 3/4 số lượng gói thầu được thông báo mời thầu trừ đi số lượng gói thầu thông báo hủy/gia hạn/điều chỉnh/đính chính thông tin đã đăng tải. Điều này chứng tỏ có rất nhiều gói thầu không được công khai kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định.

Tình trạng không công khai kết quả lựa chọn nhà thầu đã được Báo Đấu thầu phản ánh trong thời gian gần đây cho thấy, không ít chủ đầu tư/bên mời thầu đang “cố tình” quên công khai kết quả lựa chọn nhà thầu. Theo nhận định của một chuyên gia, điều này cũng dễ hiểu bởi việc cố tình không tuân thủ quy định về công khai kết quả lựa chọn nhà thầu thường là do “có ẩn tình” gì đó. Nhiều khi, lý do rất có thể là một đơn vị nào đó không muốn “nhà thầu ruột” thường xuyên trúng thầu, trúng thầu sát giá tại các gói thầu do mình làm bên mời thầu/chủ đầu tư bị “lộ diện”.

Nhận định trên là hoàn toàn có cơ sở bởi trong thời gian qua, từ việc Báo Đấu thầu tiến hành thống kê, rà soát đã phát hiện không ít trường hợp có “dấu hiệu bất thường” trong công tác đấu thầu. Đơn cử trong năm 2016, Báo Đấu thầu đã có bài viết phản ánh hiện tượng “cặp đôi” bên mời thầu - nhà thầu (bài viết “Chuyện lạ về cặp đôi bên mời thầu - nhà thầu”) cho thấy tất cả những gói thầu do một công ty tư vấn tại Hà Nội làm bên mời thầu được công khai kết quả lựa chọn nhà thầu đều do một nhà thầu tại Hà Nội trúng thầu. Sau khi Báo Đấu thầu đăng tải bài viết, nguồn tin từ Sở KH&ĐT Hà Nội cho biết, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã có văn bản đề nghị Sở KH&ĐT vào cuộc kiểm tra công tác đấu thầu tại các gói thầu này. Và trong báo cáo công tác đấu thầu năm 2016, Sở KH&ĐT Hà Nội cho biết qua kiểm tra, đã phát hiện nhiều sai phạm, Sở đã ban hành 7 quyết định xử phạt đối với đơn vị tư vấn này. 

Nhiều địa phương, đơn vị chưa tuân thủ nghiêm

Báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu năm 2016 nhấn mạnh: Trong năm 2016, Báo Đấu thầu đã có nhiều bài viết có nội dung chuyên biệt về xử lý các tình huống trong đấu thầu. Đặc biệt, Báo thường xuyên bám sát thực tế, kịp thời phản ánh các vấn đề nóng, những tiêu cực trong công tác đấu thầu tiêu biểu như: không bán hồ sơ mời thầu tại nhiều địa phương: Quảng Nam, Tuyên Quang, Hà Nội…; hay ngăn cản nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (HSDT) tại Vĩnh Phúc; cướp HSDT tại Đắk Lắk, Bình Định… Các bài viết này của Báo đã có tác động lan tỏa, giúp các cơ quan quản lý nhà nước tại nhiều địa phương kịp thời phát hiện, chấn chỉnh ngay những sai phạm.

Ngoài ra, Báo cũng tích cực phát hiện những vấn đề tồn tại trong công tác đấu thầu như: không đăng kết quả lựa chọn nhà thầu, công bố các số liệu đấu thầu có dấu hiệu bất thường… góp phần chấn chỉnh công tác đấu thầu, đảm bảo sự công khai, minh bạch trong quá trình lựa chọn nhà thầu.

Một trong những nhận định đáng chú ý của Bộ KH&ĐT trong Báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu năm 2016 là: “báo cáo tình hình hoạt động đấu thầu tuy đã được thực hiện thường xuyên song vẫn chưa đảm bảo yêu cầu cả về chất lượng và tiến độ”.

Bộ KH&ĐT cho biết, ngày 27/12/2016, Bộ đã có Văn bản số 10702/BKHĐT-QLĐT (VB10702) đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ; các cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty 91 báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu năm 2016. Theo đó, Bộ KH&ĐT đề nghị các cơ quan, đơn vị gửi báo cáo về Bộ trước ngày 16/2/2017 để kịp tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ. Và trên thực tế, đến ngày 16/2/2017, chỉ có 1/2 trong tổng số 119 đơn vị gửi báo cáo theo đúng yêu cầu. Đến ngày 26/3/2017, Bộ KH&ĐT mới nhận được đầy đủ báo cáo của các cơ quan.

Về chất lượng báo cáo, Bộ KH&ĐT cho biết, bên cạnh nhiều bộ, ngành và địa phương thực hiện khá nghiêm túc, vẫn còn không ít đơn vị chuẩn bị báo cáo mang tính hình thức, số liệu cập nhật không chính xác.

Đơn cử số liệu tổng hợp từ báo cáo bằng văn bản của các bộ, ngành, địa phương cho thấy có 1.955 gói thầu được thực hiện qua mạng, với tỷ lệ tiết kiệm đạt 7,29%. Trong khi số liệu tổng hợp trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia cho biết năm 2016 có 3.327 gói thầu được thực hiện đấu thầu qua mạng, với tỷ lệ tiết kiệm đạt 9%.

Chuyên đề