Đằng sau những cuộc thầu “tam mã”

(BĐT) - Có một thực tế là không ít gói thầu được thực hiện lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi và được nhiều nhà thầu mua HSMT, nhưng lạ thay, với nhiều lý do, đến thời điểm đóng thầu, chỉ luôn có đúng… 3 nhà thầu nộp HSDT, vừa đủ để bên mời thầu có thể tiến hành mở thầu…
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Mua nhiều, nhưng nộp ít

Theo quy định, thời gian phát hành HSMT của một gói thầu được lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi luôn là khoảng thời gian hợp lý để nhà thầu quan tâm chuẩn bị HSDT kỹ càng. Nhưng nhiều khi, đây cũng là khoảng thời gian để tiến hành những giao dịch “ngầm’’.

Thông thường, trong thời gian phát hành HSMT một gói thầu thực hiện lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi dù thuộc bất kỳ lĩnh vực nào, nếu ít thì có khoảng 4 - 5 nhà thầu mua HSMT, còn nhiều thì có từ 5 đến 7, thậm chí hơn 10 nhà thầu mua HSMT. Tuy nhiên, từ thực tế tham dự các cuộc mở thầu cũng như một số biên bản đóng, mở thầu mà phóng viên Báo Đấu thầu được tiếp cận có thể thấy, thường chỉ có 3 nhà thầu nộp HSDT đúng quy định.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo đại diện nhiều ban quản lý dự án, chủ đầu tư, là do nhà thầu nộp HSDT sau thời điểm đóng thầu, hoặc đơn giản hơn là tuy nhà thầu đã mua HSMT nhưng lại không thấy đến nộp HSDT.

Tuy nhiên, theo tâm sự từ phía nhiều nhà thầu, chuyên gia tư vấn, đằng sau những cuộc đua “tam mã” này là hàng loạt thỏa thuận, giao dịch “ngầm” giữa các nhà thầu, hay giữa nhà thầu và chủ đầu tư. 

Vừa là đối thủ vừa là đối tác

Bà Nguyễn Thị M, một chuyên gia tư vấn về đấu thầu phân tích, nguyên nhân thứ nhất đến từ chính năng lực của một số nhà thầu mua HSMT. Ở nhóm đối tượng này, do sự kiểm soát chưa chặt chẽ của những cơ quan chức năng về quản lý doanh nghiệp, họ dễ dàng có những thành tích trên giấy, che giấu những khuyết tật của mình để duy trì hoạt động doanh nghiệp theo kiểu… đến kỳ nộp một số loại thuế.

Với “năng lực’’ như vậy, họ lại luôn đi lùng mua HSMT với mục đích duy nhất là tìm ra những sơ xuất của bên mời thầu, từ sai sót nhỏ nhất trong quá trình phát hành HSMT, đến những yêu cầu mà họ cho rằng bất hợp lý trong HSMT. Sau đó, họ viết đơn khiếu nại gửi lên chủ đầu tư, các cơ quan có thẩm quyền về thanh, kiểm tra và đợi chủ đầu tư tìm gặp với đề nghị thôi khiếu nại, tất nhiên cùng với đó là một khoản bồi dưỡng gọi là chi phí đi lại, làm HSDT.

Nguyên nhân thứ hai, theo bà M, chính là quan hệ “vừa là đối thủ vừa là đối tác’’. Cụ thể, khi một nhà thầu đã được chủ đầu tư “chấm’’ trước, họ sẽ ngay lập tức có trong tay toàn bộ danh sách những nhà thầu mua HSMT một cách chi tiết. Từ đó, đối với nhà thầu quen, có năng lực, họ sẽ tiếp xúc gặp gỡ cùng bàn bạc, thảo luận để đi đến thống nhất “anh không nộp HSDT để tôi trúng thầu’’ hoặc “anh sẽ là nhà thầu phụ cùng công ty tôi thực hiện gói thầu’’…

Những thực tế trên, được nhiều nhà thầu, chuyên gia tư vấn đấu thầu khẳng định, bên ngoài nhằm tạo ra một cuộc thầu đẹp, bên trong để việc bố trí quân xanh, quân đỏ được thuận lợi… Khi đó, quá trình lựa chọn nhà thầu chỉ là một cuộc đấu “thủ tục”.

Với những gói thầu được “bài bố” cẩn thận như vậy, dù kết quả lựa chọn nhà thầu cho thấy, chủ đầu tư, bên mời thầu đã “chấm” được nhà thầu có đủ năng lực và uy tín thì vẫn phải đặt câu hỏi rằng, liệu công trình có bị rút ruột khi thi công và khi đưa vào sử dụng có bảo đảm chất lượng?

Chuyên đề