Công khai thang điểm đánh giá để hạn chế thông thầu

(BĐT) - Hiện tượng thông thầu, dàn xếp giữa các nhà thầu khi tham gia đấu thầu để một nhà thầu trúng thầu vẫn xảy ra, làm triệt tiêu tính cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả của công tác đấu thầu. Và đáng lo ngại hơn, đó là sự thông đồng, dàn xếp giữa bên mời thầu, nhà thầu và đơn vị tư vấn đấu thầu. Cần có biện pháp, giải pháp nào để phòng ngừa, ngăn chặn các chiêu trò này?
Thông thầu giữa chủ đầu tư, tư vấn đấu thầu và nhà thầu trúng thầu thường diễn ra với mức độ tinh vi, xảo quyệt
Thông thầu giữa chủ đầu tư, tư vấn đấu thầu và nhà thầu trúng thầu thường diễn ra với mức độ tinh vi, xảo quyệt

Nhiều chiêu để “ưu ái” nhà thầu ruột

Trong quá trình lựa chọn nhà thầu, bên mời thầu, đơn vị tư vấn đấu thầu có thể có những cư xử, đánh giá mang tính ưu tiên, ưu ái đối với nhà thầu thân quen của mình một cách không công bằng với các nhà thầu còn lại. Nếu như những năm trước, việc ưu tiên, ưu ái thường được thể hiện ngay trong hồ sơ mời thầu (HSMT), như: HSMT đưa ra những tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá để ưu tiên một nhà thầu nhất định và làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu khác nên dễ bị phát hiện và dễ có kiến nghị, phản ánh; thì hiện nay, việc ưu tiên này được thực hiện kín đáo hơn, ít bị phát hiện hơn, đó là bên mời thầu, đơn vị tư vấn đấu thầu ưu tiên nhà thầu trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT).

Thực tế, các mẫu HSMT do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành là mẫu chung cho tất cả các dự án, gói thầu, nên khi sử dụng, bên mời thầu, đơn vị tư vấn đấu thầu phải căn cứ vào điều kiện cụ thể của dự án, gói thầu để xác định và đưa ra các tiêu chuẩn đánh giá cho phù hợp và cụ thể. Tuy nhiên, không ít trường hợp, bên mời thầu, đơn vị tư vấn đấu thầu lấy nguyên những tiêu chuẩn đánh giá mang tính gợi ý, gợi mở trong mẫu đó để đưa vào HSMT. Đơn cử như: HSMT đưa ra tiêu chuẩn đánh giá là: nhà thầu có phương pháp luận phù hợp với nhiệm vụ; có đề xuất hoàn chỉnh và thuyết phục... (theo ví dụ trong Thông tư 01/2015/TT-BKHĐT); có biện pháp đảm bảo chất lượng hợp lý, khả thi; có biểu đồ tiến độ thi công hợp lý, khả thi... (theo ví dụ trong Thông tư 03/2015/TT-BKHĐT)... sẽ được đánh giá là “đạt” hoặc cho “điểm tối đa”. Đồng thời, trong quá trình đánh giá, nhiều đơn vị tư vấn đấu thầu không xây dựng thang điểm đánh giá chi tiết nên không xác định rõ được như thế nào thì được đánh giá là có phương pháp luận phù hợp với nhiệm vụ? có đề xuất hoàn chỉnh và thuyết phục? có biện pháp đảm bảo chất lượng hợp lý, khả thi?... Và nhà thầu cần trình bày được những vấn đề, nội dung gì trong HSDT để được coi là đáp ứng những tiêu chuẩn trên... Điều này dẫn đến việc đánh giá, cho điểm hoàn toàn phụ thuộc vào quan điểm chủ quan của người đánh giá.

Mặt khác, cũng không loại trừ tình huống bên mời thầu, đơn vị tư vấn đấu thầu có xây dựng thang điểm đánh giá chi tiết nhưng khi tổ chức đánh giá thì thay đổi, điều chỉnh cơ cấu, tỷ trọng điểm của các tiêu chí đánh giá, sao cho có lợi nhất cho nhà thầu quen biết và gây bất lợi cho nhà thầu khác. Cá biệt hơn, đó là trường hợp bên mời thầu, đơn vị tư vấn đấu thầu đã điều chỉnh, ưu tiên, ưu ái trong quá trình đánh giá nhưng nhà thầu của mình vẫn có điểm thấp hơn so với nhà thầu khác thì cho nhà thầu của mình sửa đổi, bổ sung HSDT. 

Giải pháp nào để ngăn chặn thông thầu?

Bên cạnh việc công khai thang điểm đánh giá chi tiết, để phòng ngừa tình huống nhà thầu tham dự thầu được bên mời thầu, đơn vị tư vấn đấu thầu cho bổ sung, điều chỉnh HSDT trong quá trình đánh giá HSDT, biên bản mở thầu phải có thông tin về số trang HSDT của từng nhà thầu và các nhà thầu tham dự thầu được phép đóng dấu giáp lai hoặc ký vào từng trang HSDT của nhà thầu khác (nếu có nhu cầu).
Để phòng ngừa và ngăn chặn sự dàn xếp, thông đồng giữa bên mời thầu, nhà thầu tham dự thầu, đơn vị tư vấn đấu thầu, bên cạnh việc thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về đấu thầu, người viết bài này xin đề xuất một số giải pháp, mà trước hết là giải pháp công khai thang điểm đánh giá chi tiết.

Theo đó, trong buổi đóng thầu, mở thầu, HSDT của các nhà thầu sau khi mở niêm phong để ghi thông tin vào biên bản mở thầu thì được niêm phong lại và tất cả các nhà thầu có mặt tại buổi mở thầu đều ký vào niêm phong HSDT của từng nhà thầu để đảm bảo hồ sơ được giữ nguyên khi chưa tổ chức đánh giá.

Ngay tại buổi đóng thầu, mở thầu đó (hoặc tổ chức vào ngày khác, nhưng không quá 03 ngày), bên mời thầu, đơn vị tư vấn đấu thầu tổ chức hội nghị và mời các nhà thầu đến để công khai thang điểm đánh giá chi tiết, tiếp thu ý kiến góp ý (nếu có). Trong đó, thang điểm đánh giá chi tiết phải thật cụ thể, rõ ràng, có cơ sở để xác định, đánh giá như thế nào là “đạt”, “không đạt”, như thế nào thì cho điểm “tối đa”... và HSDT của nhà thầu cần trình bày, thể hiện được những nội dung, vấn đề gì để được coi là đáp ứng tiêu chuẩn đó. Kết thúc hội nghị, các bên ký biên bản hội nghị, làm cơ sở để bên mời thầu, đơn vị tư vấn đấu thầu tổ chức đánh giá HSDT.

Trường hợp trong hội nghị, có nhà thầu không thống nhất với thang điểm đánh giá chi tiết, có thể vì cho rằng: thang điểm đánh giá chưa cụ thể, còn phụ thuộc nhiều vào cảm tính của người đánh giá; hoặc cơ cấu, tỷ trọng điểm chưa phù hợp, chưa hợp lý, có thể tạo lợi thế cho một nhà thầu nhất định... thì đề nghị bên mời thầu, đơn vị tư vấn đấu thầu sửa đổi. Khi đó, nếu bên mời thầu không đồng ý sửa đổi thì nhà thầu ghi vào biên bản hội nghị là không thống nhất với thang điểm đánh giá chi tiết và sẽ gửi kiến nghị đến người có thẩm quyền để thực hiện quyền kiến nghị theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Nếu sau khi người có thẩm quyền giải quyết và xác định kiến nghị của nhà thầu là phù hợp thì bên mời thầu phải sửa đổi thang điểm đánh giá chi tiết. Tuy nhiên, nếu nội dung sửa đổi không ảnh hưởng nhiều đến việc lựa chọn được nhà thầu có năng lực thì để tránh kéo dài thời gian đánh giá, bên mời thầu có thể lựa chọn giải pháp cho tất cả các nhà thầu tham dự thầu điểm tối đa (hoặc đánh giá đạt) ở tiêu chuẩn mà nhà thầu có kiến nghị.

Bên cạnh việc công khai thang điểm đánh giá chi tiết, để phòng ngừa tình huống nhà thầu tham dự thầu được bên mời thầu, đơn vị tư vấn đấu thầu cho bổ sung, điều chỉnh HSDT trong quá trình đánh giá HSDT, biên bản mở thầu phải có thông tin về số trang HSDT của từng nhà thầu và các nhà thầu tham dự thầu được phép đóng dấu giáp lai hoặc ký vào từng trang HSDT của nhà thầu khác (nếu có nhu cầu).

(*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả).

Chuyên đề