Có hay không sự dung dưỡng tiêu cực?

(BĐT) - Nghị định số 50/2016/NĐ-CP (NĐ50) quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư có hiệu lực đã được gần 7 tháng. Nghị định quy định khá chi tiết về hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đấu thầu, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả. 
Có hay không sự dung dưỡng tiêu cực?

Tuy nhiên, tại sao đến nay, số vụ xử phạt hành chính trong lĩnh vực đấu thầu vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi số vụ vi phạm khá lớn? 

Mơ hồ như bằng chứng không bán HSMT

Theo đánh  giá của các nhà thầu, Mục 3 của NĐ50 đã bao quát toàn bộ những nội dung cơ bản về vi phạm quy định về kế hoạch lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu (HSMT), hồ sơ yêu cầu; các quy định về tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư và đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự tuyển, hồ sơ dự thầu (HSDT), hồ sơ đề xuất; về thương thảo hợp đồng đối với lựa chọn nhà thầu và đàm phán sơ bộ hợp đồng đối với lựa chọn nhà đầu tư; vi phạm quy định về đăng tải thông tin trong đấu thầu... Đông đảo nhà thầu cho rằng, NĐ50 nếu được thực hiện nghiêm, sẽ tạo ra môi trường đấu thầu rất cạnh tranh, hiệu quả.

Một trong nhiều nội dung mới của NĐ50 thu hút sự chú ý của đông đảo nhà thầu là quy định xử lý các vi phạm về tổ chức lựa chọn nhà thầu, đánh giá HSDT. “Với hành vi không nêu, nêu không đầy đủ hoặc không chính xác địa chỉ phát hành hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, HSMT, hồ sơ yêu cầu trong thông báo mời quan tâm, thông báo mời sơ tuyển, thông báo mời chào hàng, thông báo mời thầu, thư mời thầu sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không phát hành hồ sơ mời quan tâm, HSMT, hồ sơ yêu cầu, hồ sơ mời sơ tuyển cho nhà thầu, nhà đầu tư theo đúng thời gian, địa điểm nêu trong thông báo mời quan tâm, thông báo mời thầu, thông báo mời chào hàng”.

Theo nhà thầu Công ty TNHH Minh Siêu Tín, tình trạng bên mời thầu cố tình không bán HSMT hiện nay vẫn rất phổ biến. “Các nhà thầu rất khổ sở khi gặp phải những bên mời thầu hành xử kiểu này, vì mất công đi lại, chờ đợi nhưng cuối cùng vẫn không thể mua được HSMT. Tuy nhiên, để có được bằng chứng tố cáo bên mời thầu không bán HSMT không hề dễ dàng. Bên mời thầu sẽ thoái thác mọi nỗ lực gặp, tìm hiểu thông tin, tiếp cận HSMT của nhà thầu, nên nhà thầu trong trường hợp này đơn thương độc mã từ đầu đến cuối. Có những bên mời thầu, khi nhà thầu yêu cầu xác nhận vào giấy giới thiệu việc không có HSMT, hết HSMT và hẹn cụ thể thời gian bán thì không bao giờ được đáp ứng. Toàn bộ quá trình mua HSMT của nhà thầu không thể có được bằng chứng nào thuyết phục ngoài việc bị lùa đi lòng vòng tại địa điểm bán HSMT. Đến khi Báo Đấu thầu hoặc cơ quan chức năng vào cuộc thì bên mời thầu luôn sử dụng câu trả lời: “Có bán HSMT bình thường. Chẳng qua lúc nhà thầu đến thì người bán có việc bận đột xuất… Chúng tôi chưa bao giờ thấy một bên mời thầu nào bị xử phạt vì không bán HSMT cả”.

Còn nhà thầu Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Vạn Tín (TP.HCM) lại chia sẻ, sự vào cuộc chậm chạp, thiếu quyết liệt của những người có trách nhiệm liên quan khiến cho việc xử phạt các bên mời thầu không phát hành HSMT là cực kỳ hiếm gặp. “Chính điều này khiến cho vấn nạn không bán HSMT trong đấu thầu vẫn còn xảy ra. Chúng tôi thực sự buồn về tình trạng có nhiều đơn vị bán HSMT nhưng nơi bán HSMT luôn “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Ở đó, sự nghiêm minh của pháp luật đấu thầu bị một số người quá coi nhẹ” - nhà thầu Vạn Tín tâm sự. 

Tăng trách nhiệm giám sát của người đứng đầu

Trao đổi với Báo Đấu thầu, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu Lê Văn Tăng cho rằng, tại một số gói thầu, khi tổ chức đấu thầu để xảy ra quá nhiều bức xúc của nhà thầu chứng tỏ sự vào cuộc của người có trách nhiệm cao nhất tại địa phương đó chậm chạp, thiếu thông tin hoặc vô cảm. “Phân cấp gắn liền với trách nhiệm trong đấu thầu đã rõ. Tại sao rất nhiều địa phương, lãnh đạo cứ để cho nhiều bên mời thầu đi ngược lại mọi quy định của Luật Đấu thầu? Câu hỏi này chỉ có thể trả lời rằng, là lãnh đạo nhưng những người đứng đầu địa phương im lặng trước phản ánh của nhà thầu đồng nghĩa với sự dung túng cho hành vi sai trái. Chưa nói đến việc không thực hiện đúng thẩm quyền của mình trong lĩnh vực đấu thầu và đang góp phần tạo môi trường dung dưỡng cho tiêu cực, cho sự cạnh tranh thiếu minh bạch, dẫn đến kém hiệu quả trong đầu tư công”, ông Tăng nhận xét.

NĐ50 quy định về thẩm quyền xử phạt của UBND các cấp trong lĩnh vực đấu thầu rất chi tiết. Cụ thể, đối với hành vi vi phạm về đấu thầu, Chủ tịch UBND cấp huyện có quyền phạt tiền đến 75.000.000 đồng; Chủ tich UBND cấp tỉnh có quyền phạt tiền đến 80.000.000 đồng. Cả hai cấp này đều có quyền phạt cảnh cáo và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định. Rõ ràng, nếu như các hành vi vi phạm tại những gói thầu bị nhà thầu phản ánh, Báo Đấu thầu thông tin cụ thể thời gian qua như: không bán HSMT, nêu các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra cạnh tranh không công bằng… bị xử phạt đến nơi đến chốn, đúng người, đúng vi phạm thì những chuyển biến trong công tác đấu thầu sẽ thực sự tốt hơn.

Chuyên đề