Chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ bán đấu giá tài sản: Chấp nhận phạt để trúng thầu

(BĐT) - Sự cạnh tranh giữa các nhà thầu cung cấp dịch vụ bán đấu giá tài sản hiện nay được đánh giá là khá khốc liệt. Tuy nhiên, quy định về “khung phí dịch vụ” trong bán đấu giá tài sản lại là rào cản lớn nhất đối với các nhà thầu khi tham gia đấu thầu cung cấp dịch vụ này.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Khó khăn vì phí dịch vụ bị đóng khung

Các gói thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ bán đấu giá tài sản ngày càng được triển khai nhiều và thu hút sự tham gia của đông đảo các công ty dịch vụ bán đấu giá tài sản. Việc áp dụng Luật Đấu thầu trong trường hợp này được đánh giá là rất hiệu quả để tăng cường chất lượng hoạt động đấu giá tài sản, đồng thời, nâng cao giá trị tài sản của Nhà nước khi đấu giá. Cụ thể, Công ty Điện lực Bà Rịa -Vũng Tàu vừa tổ chức đấu thầu lựa chọn tổ chức bán đấu giá tài sản chuyên nghiệp để tổ chức đấu giá tài sản thanh lý năm 2016 của Công ty. Công ty Truyền tải điện 4 (PTC4) cũng tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị tổ chức đấu giá thanh lý lô vật tư thiết bị của PTC4 năm 2015.

Tuy nhiên, trao đổi với Báo Đấu thầu, nhiều đơn vị cho biết khó cạnh tranh về giá là mấu chốt của nhiều gói thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ bán đấu giá tài sản hiện nay. Cụ thể, mức phí dịch vụ của bán đấu giá tài sản đã được quy định tại Quyết định số 42/2012/QĐ-UBND của UBND TP.HCM ban hành mức thu phí tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, mức thu phí đấu giá tài sản, chế độ quản lý và sử dụng phí đấu giá tài sản, phí tham gia đấu giá tài sản trên địa bàn TP.HCM (QĐ42). Các nhà thầu khi dự thầu các gói cung cấp dịch vụ bán đấu giá tài sản đều có chung một mức giá dự thầu. Lý do được đưa ra là vì nếu hạ giá so với mức đã được quy định tại QĐ42 thì sẽ bị phạt hành vi vi phạm quy định về tổ chức hoạt động bán đấu giá tài sản theo Nghị định 110/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã (NĐ110).

Theo chia sẻ của đại diện một công ty đấu giá tài sản, thông thường, những quy định chung về năng lực tài chính, nhân sự, thời gian thực hiện trong các hồ sơ yêu cầu các gói thầu đã rất rõ và chi tiết. “Nhà thầu cung cấp dịch vụ bán đấu giá tài sản sẽ cạnh tranh nhau chủ yếu bởi yếu tố giá dịch vụ bao gồm: phí đăng báo, phí niêm yết và phí dịch vụ. Trong đó, phí dịch vụ là yếu tố quan trọng nhất của mỗi hồ sơ đề xuất. Tuy nhiên, với những khung mức phí đã được ban hành và theo NĐ110 thì việc nhà thầu hạ giá để cạnh tranh (theo tinh thần của Luật Đấu thầu) là không thể. Do đó, khó khăn cho nhà thầu đấu thầu dịch vụ này lớn nhất nằm ở việc bỏ giá. Và cũng rất khó khăn cho các bên mời thầu vì phải đánh giá các hồ sơ đề xuất có chung một mặt bằng giá” - vị đại diện nêu trên than thở.

Vị đại diện nêu trên cũng cho biết: Nếu như trước đây, khi nhu cầu chưa cao, thị trường bán đấu giá tài sản chưa phong phú thì không phản ánh nhiều bất cập. Tuy nhiên, khi phạm vi điều chỉnh của hoạt động bán đấu giá tài sản ngày càng rộng, hoạt động đấu thầu dịch vụ này ngày càng nhiều, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này tăng nhanh chóng thì bất cập càng thể hiện rõ. Đây là quan ngại của hầu hết các công ty dịch vụ bán đấu giá tài sản.

Trong trường hợp bán đấu giá tài sản thành công thì mức thu phí được tính trên giá trị tài sản bán được của một cuộc bán đấu giá (xem bảng)

Chấp nhận chịu phạt để trúng thầu

Chấp nhận chịu phạt để trúng thầu là một mặc định khá phổ biến hiện nay của các nhà thầu cung cấp dịch vụ bán đấu giá tài sản của không ít địa phương. Một cán bộ của Công ty Đấu giá Lam Sơn (TP.HCM) cho biết, bất kể nhà thầu nào  tham gia đấu thầu lĩnh vực này đều phải có “cách” để làm sao tổng mức phí chào “được lòng” bên mời thầu nhất.

Cụ thể, đã và đang có nhà thầu chấp nhận chào giá thấp bằng cách miễn phí niêm yết, phí đăng tải trên báo các thông báo bán đấu giá tài sản. Họ chấp nhận tự chịu những chi phí nhỏ lẻ để lấy mối quan hệ làm ăn lâu dài với các bên mời thầu. Tuy nhiên, động thái này vẫn chưa đủ sức mạnh nên nhiều nhà thầu đã “liều” hạ giá phí dịch vụ bán đấu giá so với quy định để mong được trúng thầu.

“Thanh tra, kiểm tra thì 2 - 3 năm mới có, xui lắm mới bị sờ đến và bị phạt, nên không hạ giá thì làm sao trúng thầu được?!”. Đó là chia sẻ rất thật của đại diện một công ty đấu giá với phóng viên Báo Đấu thầu.

Theo thông tin của Sở Tư pháp TP.HCM, vừa qua Thanh tra Sở Tư pháp TP.HCM đã kiểm tra và xử phạt một loạt công ty bán đấu giá tài sản vì “vượt rào” hạ giá dịch vụ để nhằm trúng thầu các gói thầu lựa chọn tổ chức cung cấp dịch vụ bán đấu giá tài sản trên địa bàn.

Một chuyên gia về lĩnh vực này cho biết: “Tất nhiên là thiệt hại của các công ty này khá lớn. Ngoài mức phạt theo  NĐ110, họ còn mang tiếng là “nhà thầu bị phạt”. Tuy nhiên, vì những quy định hiện hành đang có những bất cập, chỉ nhìn nhận đấu giá tài sản là một nghề có đóng khung về mức thu phí, chứ chưa nhìn nhận tổ chức đấu giá cũng là một đơn vị kinh doanh, cũng là nhà thầu đi đấu thầu, cần cạnh tranh về giá. Thực tế này đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động đấu thầu của các công ty tổ chức bán đấu giá tài sản”.

“Hiện nay, chỉ còn hai ngành nghề vẫn còn bị khống chế về phí dịch vụ là đấu giá và công chứng. Trong khi các ngành nghề khác đã được bỏ khống chế. Thậm chí, ngành nghề thẩm định giá cũng đã được gỡ khống chế. Nếu nhà thầu không dám hạ giá dịch vụ thì khó trúng thầu. Còn các nhà thầu liều hạ giá theo mức phí đã được quy định thì khả năng trúng thầu sẽ cao. Nhưng khả năng phải móc hầu bao đóng phạt cũng cao” - một công ty đấu giá tài sản ở Hậu Giang chia sẻ.

Khoản 2 Điều 21 Nghị định 110/2013/NĐ-CP quy định: “Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng” đối với hành vi “Thu phí, tiền đặt trước, chi phí dịch vụ bán đấu giá, các khoản tiền khác không đúng quy định”.

Chuyên đề