Chỉ thị 47/CT-TTg về đấu thầu sau 6 tháng ban hành: Thực hiện chưa đồng đều

(BĐT) - Sau hơn 6 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 47/CT-TTg về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước (gọi tắt là Chỉ thị 47), đến nay, nhiều bộ, ngành, địa phương đã có các văn bản đôn đốc triển khai thực hiện Chỉ thị và bước đầu đã có những tín hiệu tích cực.
Để Chỉ thị 47/CT-TTg đi vào cuộc sống thì cần có cơ chế giám sát thúc đẩy các chủ đầu tư/bên mời thầu thực hiện các nội dung của Chỉ thị. Ảnh: Gia Khoa
Để Chỉ thị 47/CT-TTg đi vào cuộc sống thì cần có cơ chế giám sát thúc đẩy các chủ đầu tư/bên mời thầu thực hiện các nội dung của Chỉ thị. Ảnh: Gia Khoa

Những động thái tích cực bước đầu

Thời gian qua, rất nhiều bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan trong phạm vi quản lý của mình thực hiện Chỉ thị 47 như: Bộ Giao thông vân tải (GTVT), Bộ Tài chính, UBND TP. Hà Nội, UBND TP.HCM, UBND TP. Đà Nẵng, UBND tỉnh Phú Thọ… Sự vào cuộc kịp thời này của các bộ, ngành, địa phương được dư luận và cộng đồng xã hội mong đợi sẽ góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng công tác đấu thầu.

Ngày 12/7/2018, trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Lê Hồng Điệp, Vụ trưởng Vụ Quản lý Bảo trì đường bộ (Tổng cục Đường bộ Việt Nam - TCĐB) cho biết, sau khi Chỉ thị 47 được ban hành, Bộ GTVT đã ban hành Văn bản số 1395/BGTVT-CQLXD về triển khai thực hiện Chỉ thị số 47 gửi các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GTVT, các Sở GTVT. Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GTVT, các Sở GTVT nghiên cứu, phổ biến, quán triệt sâu sắc, toàn diện và thực hiện nghiêm nội dung Chỉ thị số 47. Bộ cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GTVT khẩn trương rà soát kế hoạch, dự toán ngân sách năm 2018 được giao để đảm bảo tối thiểu 40% số lượng các gói thầu chào hàng cạnh tranh, 30% số lượng các gói thầu quy mô nhỏ thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng.

Nhận thức được tầm quan trọng của nội dung chỉ đạo, TCĐB đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh áp dụng đấu thầu qua mạng, nâng cao nghiệp vụ đấu thầu qua mạng cho các cán bộ làm công tác đấu thầu; đồng thời rà soát hạ tầng, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ đấu thầu qua mạng. TCĐB cũng ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc trong 6 tháng đầu năm 2018 áp dụng đấu thầu qua mạng đối với 50% gói thầu và từ năm 2019 sẽ đấu thầu qua mạng 100% gói thầu, ngoại trừ các trường hợp đặc biệt, cấp bách. Hiện nay, mặc dù chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng nhờ số lượng gói thầu áp dụng đấu thầu qua mạng đã gia tăng đáng kể so với giai đoạn trước đó, nên hiệu quả và chất lượng công tác đấu thầu của TCĐB được nâng cao, sự minh bạch và con số tiết kiệm trong đấu thầu được nâng lên. 

Tăng cường giám sát để chính sách đi vào cuộc sống

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, một cán bộ của Sở KH&ĐT Thanh Hóa cho biết, Chỉ thị 47 là động lực để buộc các cấp, các ngành đẩy mạnh áp dụng đấu thầu qua mạng để tăng cường công khai, minh bạch trong đấu thầu. Nội dung của Chỉ thị 47 tập trung vào cả đấu thầu trực tiếp và đấu thầu qua mạng, nhưng tác động và chuyển động đối với đấu thầu qua mạng được thể hiện rõ nét nhất. Hiện nay, một nội dung của Chỉ thị 47 chưa được các chủ đầu tư, bên mời thầu quan tâm thực hiện là đăng tải công khai hồ sơ mời thầu/hồ sơ yêu cầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo quy định, khuyến khích đăng tải trên trang thông tin điện tử của bộ, ngành, địa phương và mời các cơ quan thông tấn, báo chí, đại diện cộng đồng dân cư trong khu vực tham gia lễ mở thầu để tăng cường tính minh bạch và giám sát cộng đồng.

Còn theo một cán bộ Phòng Thẩm định của Sở KH&ĐT Nghệ An thì vai trò lớn nhất trong việc thực hiện Chỉ thị 47 là các chủ đầu tư/bên mời thầu. Hiện nay, do phân cấp nên trên thực tế, số lượng chủ đầu tư, bên mời thầu ở cấp xã không ít, trong khi hạn chế trong việc nhận thức, cập nhật các chính sách, pháp luật về đấu thầu. Để Chỉ thị 47 đi vào cuộc sống thì cần có cơ chế giám sát thúc đẩy các chủ đầu tư/bên mời thầu buộc phải thực hiện các nội dung của Chỉ thị.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, nhiều nhà thầu cũng có chung ý kiến rằng, về bản chất, Chỉ thị 47 hướng tới bảo vệ những quyền lợi chính đáng của nhà thầu, giúp minh bạch, công khai công tác đấu thầu. Tuy nhiên, dù Chỉ thị 47 đã ban hành được hơn 6 tháng nhưng rất nhiều chủ đầu tư/bên mời thầu ở địa phương vẫn thực hiện đấu thầu theo “nếp cũ”, gây khó khăn cho nhà thầu từ quá trình đi mua hồ sơ mời thầu đến việc tham gia nộp hồ sơ dự thầu, chấm thầu một cách thiên lệch… Và điều thiết thực hiện nay đối với nhà thầu là sự quan tâm, giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng trong việc thực hiện Chỉ thị 47 đối với các chủ đầu tư, bên mời thầu để những chính sách này thực sự đi vào đời sống.

Chuyên đề