Chỉ rõ hạn chế trong đấu thầu tại Hà Nội

(BĐT) - Công tác đấu thầu trên trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2017 đạt được những kết quả khá tốt, cơ bản tổ chức theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu. Tuy nhiên, công tác này còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục.
Công tác đấu thầu qua mạng trên địa bàn Hà Nội thời gian qua chưa đạt mục tiêu đề ra. Ảnh: Nhã Chi
Công tác đấu thầu qua mạng trên địa bàn Hà Nội thời gian qua chưa đạt mục tiêu đề ra. Ảnh: Nhã Chi

Những tồn tại, hạn chế

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP. Hà Nội, năm 2017, Thành phố triển khai thực hiện lựa chọn nhà thầu cho 7.734 gói thầu thuộc các dự án, công trình với tổng giá trị gói thầu là 24.989 tỷ đồng, tổng giá trị trúng thầu là 24.063 tỷ đồng, chênh lệch hơn 926 tỷ đồng. Hình thức lựa chọn nhà thầu được Thành phố áp dụng nhiều nhất là chỉ định thầu, đấu thầu rộng rãi và chào hàng cạnh tranh.

Sở KH&ĐT Hà Nội nhận xét, nhìn chung, công tác đấu thầu đạt được những kết quả khá tốt, thông qua đấu thầu đã lựa chọn được những nhà thầu tư vấn, nhà thầu thi công và xây lắp đáp ứng yêu cầu. Công tác đấu thầu ngày càng được chú trọng, tổ chức bài bản, đáp ứng các quy định của Luật Đấu thầu 2013 và Nghị định 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn.

Song, Sở KH&ĐT Hà Nội cũng chỉ rõ, công tác đấu thầu qua mạng trên địa bàn Thành phố thời gian qua chưa đạt các mục tiêu đề ra. Hầu hết các chủ đầu tư chưa thực hiện đấu thầu qua mạng, một số quận, huyện chưa thực hiện đấu thầu qua mạng.

Về năng lực của đội ngũ cán bộ tham gia hoạt động đấu thầu, Sở KH&ĐT Hà Nội đánh giá, chất lượng cán bộ làm công tác liên quan đến đấu thầu chưa đồng đều giữa các quận, huyện. Việc cập nhật các quy định mới liên quan đến đấu thầu chưa kịp thời dẫn đến còn lúng túng trong quá trình tổ chức thực hiện. Một số ít cán bộ được cử đi học các lớp về đấu thầu và đã có chứng chỉ, song do luân chuyển công tác nên chưa thực sự tham gia trực tiếp vào công tác đấu thầu, dẫn đến lãng phí về thời gian, nguồn lực cán bộ. Một số chủ đầu tư còn hạn chế về năng lực và kinh nghiệm nên phụ thuộc quá nhiều vào các đơn vị tư vấn đấu thầu. 

Báo cáo thiếu về kiến nghị trong đấu thầu

Báo cáo tình hình thực hiện công tác về đấu thầu năm 2017 của TP. Hà Nội vừa được gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, năm qua, Sở KH&ĐT đã thực hiện kiểm tra trực tiếp đối với 201 gói thầu của 170 dự án tại 8 quận, huyện (Đống Đa, Thanh Xuân, Phúc Thọ, Hoài Đức, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Phú Xuyên, Sóc Sơn). Các cuộc kiểm tra tập trung vào việc thực hiện chính sách pháp luật về đấu thầu, kiểm tra việc thực hiện lộ trình cung cấp thông tin và lựa chọn nhà thầu qua mạng. Qua kiểm tra phát hiện còn có sai sót, vi phạm của các chủ đầu tư/bên mời thầu và các cơ quan quản lý nhà nước. Điển hình như một số đơn vị còn thiếu báo cáo thẩm định hoặc báo cáo thẩm định thiếu nội dung theo đúng mẫu quy định; thành lập tổ chuyên gia đấu thầu không đủ năng lực theo quy định; đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất chưa theo quy định (nhà thầu đã bị loại nhưng vẫn đưa vào bước sau)… Năm qua, Thành phố không tổ chức cuộc thanh tra nào về đấu thầu.

Về công tác giải quyết kiến nghị và vi phạm về đấu thầu, nhìn lại báo cáo công tác đấu thầu, nếu như năm 2016 Thành phố không nhận được bất kỳ một văn bản kiến nghị nào về đấu thầu thì năm 2017 có tới 3 văn bản kiến nghị. Đó là kiến nghị của Công ty TNHH Composite Sông Lam phản ánh các hạn chế của hồ sơ yêu cầu chào hàng cạnh tranh của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội; kiến nghị của ông Nguyễn Văn Toàn liên quan đến tổ chức đấu thầu xây dựng và quản lý sử dụng đất tại Dự án Chợ Kim Nỗ thuộc xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh và kiến nghị về đấu thầu của Nhà Xuất bản Hà Nội.

Tuy vậy, quá trình theo dõi và phản ánh thông tin về công tác đấu thầu của Hà Nội năm 2017, phóng viên nhận thấy, Báo cáo công tác đấu thầu của Thành phố năm 2017 bỏ sót một số kiến nghị của nhà thầu liên quan đến công tác tổ chức lựa chọn nhà thầu trên địa bàn Thành phố. Điển hình là kiến nghị của nhà thầu phản ánh việc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Mỹ Đức quanh co, gian dối trong phát hành hồ sơ mời thầu; hay Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Đống Đa vẫn không chịu bán hồ sơ mời thầu Gói thầu Thi công hạng mục bó vỉa, gạch lát và hệ thống thoát nước tuyến phố Tôn Đức Thắng cho nhà thầu…

Về xử lý vi phạm trong đấu thầu, năm 2016, Thành phố đã ban hành 10 quyết định xử phạt hành chính bằng hình thức phạt tiền với 3 nhà thầu tư vấn với tổng số tiền là 90 triệu đồng. Nhưng năm 2017, Sở KH&ĐT Hà Nội chỉ có 8 kết luận,trong đó kiến nghị cơ quan thẩm quyền xử lý vi phạm đối với 8 quận, huyện được kiểm tra bằng hình thức kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với tổ chức, cá nhân thiếu sót.

Chuyên đề