Bước tiến lớn trong mua thuốc tập trung

(BĐT) - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 112/NQ-CP về việc thành lập Trung tâm Mua sắm tập trung (MSTT) thuốc quốc gia trực thuộc Bộ Y tế. Đánh giá sự kiện này, nhiều chuyên gia đấu thầu, chuyên gia kinh tế cho rằng, Nghị quyết được ban hành là một bước tiến cần thiết để thực hiện mua thuốc tập trung cấp quốc gia thành công.
Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế, có chức năng tổ chức đấu thầu mua sắm thuốc thuộc danh mục thuốc mua sắm tập trung cấp quốc gia. Ảnh: Tiên Giang
Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế, có chức năng tổ chức đấu thầu mua sắm thuốc thuộc danh mục thuốc mua sắm tập trung cấp quốc gia. Ảnh: Tiên Giang

Theo Nghị quyết, Trung tâm MSTT thuốc quốc gia là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế, có chức năng tổ chức đấu thầu mua sắm thuốc thuộc danh mục thuốc MSTT cấp quốc gia do Bộ Y tế ban hành và tổ chức đàm phán giá thuốc thuộc danh mục thuốc đàm phán giá theo quy định của pháp luật. Trung tâm có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm. Nghị quyết có hiệu lực kể từ ngày 30/12/2016.

Một cán bộ phụ trách công tác đấu thầu của Bộ Y tế chia sẻ, năm 2016, ngành y tế bị “một số quả bom” khiến quá trình thực hiện chỉ đạo chưa đạt được tiến độ như yêu cầu. Theo lộ trình, năm 2016 Ngành buộc phải mua thuốc tập trung ở cấp quốc gia và cấp địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế, ngành lại không có trung tâm nào có thể đứng ra mua sắm được, bởi các đơn vị sự nghiệp của ngành chủ yếu là các bệnh viện, trường học, các công ty dược đều đã cổ phần hóa. Trong khi đó, các quy định hiện hành cũng không cho có thêm biên chế nên ngành y tế bị kẹt cứng trong thực hiện nhiệm vụ được giao theo Nghị định 63/2014/NĐ-CP.

Trong hai năm 2015 - 2016, cả nước có 56 địa phương đấu thầu thuốc tập trung, 3 địa phương đấu thầu đại diện và 4 địa phương đấu thầu đơn lẻ. Cả nước có 119 hội đồng đấu thầu thuốc.
“Điều 69 Nghị định 63/2014/NĐ-CP lại chỉ rõ, đơn vị mua sắm tập trung thực hiện trách nhiệm quy định tại Điều 74 và Điều 75 của Luật Đấu thầu…, tức là đơn vị đứng ra mua sắm vừa thực hiện chức năng của bên mời thầu vừa thực hiện chức năng của chủ đầu tư. Theo quy định này, như vậy là Trung tâm phải có con dấu, vừa phải có tài khoản và pháp nhân để tạo thuận lợi cho các nhà thầu nộp đảm bảo dự thầu hoặc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của bên mua sắm được minh bạch, thuận lợi” - vị cán bộ nêu trên chia sẻ thêm.

Theo vị cán bộ này, việc Chính phủ quyết nghị thành lập Trung tâm dù chậm hơn kế hoạch nhưng đây là bước tiến để Ngành thực hiện tốt nhiệm vụ được giao là phải tổ chức đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia, cấp địa phương.  “Việc Thành lập Trung tâm hứa hẹn sẽ mang lại những lợi ích cho nền kinh tế, đảm bảo cho người dân được dùng thuốc có chất lượng và giá cả hợp lý”, vị cán bộ này hy vọng.

Cũng theo chia sẻ của vị cán bộ nói trên, khó khăn lớn nhất là để thành lập được Trung tâm thì sẽ cần cán bộ để vận hành, trong khi quy định hiện hành lại không được thêm biên chế. Do đó, tổ chức nhân sự để vận hành Trung tâm tới đây vẫn còn bỏ ngỏ, có lẽ lại phải huy động từ các bệnh viện, địa phương lên…

Thông tin từ Văn phòng Chính phủ cũng cho hay, trong hai năm 2015 - 2016, cả nước có 56 địa phương đấu thầu thuốc tập trung, 3 địa phương đấu thầu đại diện và 4 địa phương đấu thầu đơn lẻ. Cả nước có 119 hội đồng đấu thầu thuốc.

Chuyên đề