“Bộ tứ” đấu thầu xử lý rác tại Đồng Nai

(BĐT) - Quá trình khảo sát, theo dõi diễn biến nhiều gói thầu của phóng viên Báo Đấu thầu cho thấy, Công ty CP Dịch vụ Sonadezi, Công ty CP Môi trường Sonadezi, Công ty TNHH MTV Thương mại - Môi trường Thiên Phước và Công ty TNHH Cù Lao Xanh là “bộ tứ” trong đấu thầu xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Giữa 4 nhà thầu này có những mối quan hệ đan xen thật đặc biệt.
Mặc dù các gói thầu xử lý rác ở tỉnh Đồng Nai được đấu thầu rộng rãi song trên thực tế, số lượng nhà thầu nộp HSDT rất “có hạn”. Ảnh: Hoài Anh
Mặc dù các gói thầu xử lý rác ở tỉnh Đồng Nai được đấu thầu rộng rãi song trên thực tế, số lượng nhà thầu nộp HSDT rất “có hạn”. Ảnh: Hoài Anh

Chung mô típ không nộp bảo đảm dự thầu

Trong vòng 3 năm qua, các bên mời thầu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã công bố kết quả lựa chọn nhà thầu của 10 gói thầu xử lý rác thải sinh hoạt. Công ty CP Dịch vụ Sonadezi, Công ty CP Môi trường Sonadezi, Công ty TNHH MTV Thương mại - Môi trường Thiên Phước và Công ty TNHH Cù Lao Xanh là 4 “gương mặt thân quen” của các gói thầu. Mặc dù được đấu thầu rộng rãi nhưng mỗi gói thầu chỉ có 2 - 3 nhà thầu tham dự. Và ở các gói thầu do một trong 4 nhà thầu nói trên trúng thầu đều xảy ra câu chuyện, các nhà thầu tham gia nộp hồ sơ dự thầu (HSDT) khác đều không nộp bảo đảm dự thầu nên bị loại vì HSDT không hợp lệ; nhà thầu duy nhất có HSDT hợp lệ, được đánh giá đạt yêu cầu về kỹ thuật lại trúng thầu hoặc bằng giá, hoặc sát nút với giá gói thầu.

Đơn cử, tại Gói thầu số 2 Thực hiện xử lý rác thải sinh hoạt bằng phương pháp đốt hoặc bằng phương pháp sản xuất phân vi sinh thuộc Dự án Xúc, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ năm 2018, có 2 nhà thầu nộp HSDT gồm: Công ty CP Dịch vụ Sonadezi, Công ty TNHH MTV Thương mại - Môi trường Thiên Phước. Trong đó, Công ty CP Dịch vụ Sonadezi không nộp bảo đảm dự thầu (mặc dù công ty này thường xuyên trúng các gói thầu xử lý rác có quy mô lớn hơn), nên Công ty TNHH MTV Thương mại - Môi trường Thiên Phước trúng thầu với giá 6.881 triệu đồng (giảm hơn 1 triệu đồng so với giá gói thầu).

Còn tại Gói thầu Xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn TP. Biên Hòa năm 2018 do Công ty TNHH Tư vấn đầu tư xây dựng Rạng Đông mời thầu, có 3 nhà thầu nộp HSDT thì 2 nhà thầu không nộp bảo đảm dự thầu là Công ty TNHH MTV Thương mại - Môi trường Thiên Phước, Công ty TNHH Cù Lao Xanh; nhà thầu duy nhất có HSDT hợp lệ và trúng thầu khớp với giá gói thầu 58.924 triệu đồng là Công ty CP Dịch vụ Sonadezi. Đây cũng là “mô típ” đấu thầu quen thuộc trong các gói thầu xử lý rác thải sinh hoạt mà Công ty CP Dịch vụ Sonadezi trúng thầu khớp giá. 

Và những cuộc thầu “đảo vai”

Quá trình theo dõi diễn biến các gói thầu xử lý rác thải của phóng viên Báo Đấu thầu cũng cho thấy, giữa 4 nhà thầu trên có những mối quan hệ đan xen đặc biệt. Có những gói thầu họ cùng liên danh với nhau để trúng thầu, có những gói thầu độc lập nộp HSDT, trong đó có nhà thầu không nộp bảo đảm dự thầu, để nhà thầu còn lại có HSDT hợp lệ và mặc nhiên trúng thầu.

Cụ thể, tại Gói thầu Dịch vụ thu gom, xử lý chất thải thông thường, chất thải nguy hại năm 2018 do Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất - Đồng Nai mời thầu, Liên danh Công ty CP Môi trường Sonadezi - Công ty CP Dịch vụ Sonadezi đã trúng thầu với giá 2.252 triệu đồng (trúng thầu tháng 7/2018; thời gian thực hiện hợp đồng là 365 ngày).

Tuy nhiên, vào tháng 10/2018, tại Gói thầu Xử lý 25.500 tấn rác thải sinh hoạt bằng phương pháp sản xuất phân vi sinh đảm bảo tỷ lệ chôn lấp dưới 15% thuộc Dự án Xúc, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện Thống Nhất năm 2018, Công ty CP Môi trường Sonadezi và Công ty CP Dịch vụ Sonadezi độc lập tham dự, nộp HSDT, nhưng Môi trường Sonadezi lại không nộp bảo đảm dự thầu nên HSDT bị loại và nghiễm nhiên, Dịch vụ Sonadezi đã trúng thầu với giá trúng thầu đúng bằng giá gói thầu (13.912 triệu đồng).

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, cán bộ đấu thầu của một bên mời thầu ở tỉnh Đồng Nai cho biết, mặc dù các gói thầu xử lý rác ở tỉnh Đồng Nai được đấu thầu rộng rãi song trên thực tế, số lượng nhà thầu tham gia nộp HSDT rất “có hạn”. Câu chuyện lặp lại là chỉ có 1 nhà thầu đáp ứng được yêu cầu về kỹ thuật, mà nhà thầu này thường xuyên đưa ra giá dự thầu hoặc gần bằng, hoặc bằng, thậm chí vượt giá gói thầu. Trong nhiều gói thầu, bên mời thầu đã phải thương thảo với nhà thầu giảm giá dự thầu xuống để giá trúng thầu không vượt quá giá gói thầu.

Chuyên đề