Bổ sung chế tài để không loại oan nhà thầu

(BĐT) - Không ít bên mời thầu (BMT) đưa ra các điều kiện “tréo ngoe” để hạn chế các nhà thầu có đủ năng lực tham gia cuộc thầu, trong đó có yêu cầu về giấy phép bán hàng (GPBH). Bên cạnh pháp luật về đấu thầu, việc bổ sung chế tài trong  Luật Cạnh tranh hiện đang được đề xuất nhằm hạn chế tình trạng loại oan nhà thầu.
Bên cạnh pháp luật về đấu thầu, cần bổ sung chế tài trong các luật liên quan để ngăn chặn tình trạng không bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu. Ảnh: Mai Anh
Bên cạnh pháp luật về đấu thầu, cần bổ sung chế tài trong các luật liên quan để ngăn chặn tình trạng không bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu. Ảnh: Mai Anh

Nhà thầu bị loại oan... chỉ vì giấy phép bán hàng

Cảm thấy đầy oan ức và bất công khi bị loại khỏi một cuộc thầu mua sắm hàng hóa, Công ty Tuyết Nga từng thông tin đến Báo Đấu thầu nhằm đưa vụ việc ra ánh sáng, bảo vệ quyền lợi chính đáng của Nhà thầu.

Sự việc xảy ra liên quan đến Gói thầu “Mua sắm đồ dùng, đồ chơi thiết bị dạy học cho 72 trường mầm non của 10 huyện, thành phố năm 2014” do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hưng Yên làm bên mời thầu (BMT). Gói thầu được lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước. Hồ sơ mời thầu (HSMT) phát hành từ 8 giờ ngày 18/7/2014 đến 10 giờ ngày 8/8/2014.

Trong HSMT, BMT đã yêu cầu nhà thầu phải có giấy phép bán hàng (GPBH) bản gốc của nhà sản xuất đối với những thiết bị khá thông dụng, phổ biến, có nhiều nhà cung cấp trên thị trường như ti vi, tủ lạnh, máy chiếu đa năng...

Tại thời điểm xảy ra vụ việc nêu trên, pháp luật đấu thầu đã có quy định về việc yêu cầu về GPBH thuộc bản quyền của nhà sản suất. Thông tư số 05/2010/TT-BKH của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) quy định, GPBH thuộc bản quyền của nhà sản xuất, chỉ áp dụng trong trường hợp hàng hóa là đặc chủng, phức tạp. Còn đối với hàng hóa thông thường, BMT có thể yêu cầu giấy ủy quyền bán hàng của đại lý phân phối.

Mặc dù hai bên đã nhiều lần có văn bản trao đổi qua lại kiến nghị làm rõ, đề nghị sửa đổi HSMT, nhưng rốt cuộc, Nhà thầu vẫn bị loại. 

Bổ sung quy định về bảo đảm cạnh tranh

Theo quy định tại Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, trường hợp gói thầu hàng hóa là đặc thù, phức tạp cần gắn với trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc cung cấp các dịch vụ sau bán hàng như bảo hành, bảo trì, sửa chữa, cung cấp phụ tùng, vật tư thay thế, thì trong HSMT có thể yêu cầu nhà thầu xuất trình GPBH của nhà sản xuất hoặc Giấy uỷ quyền của nhà sản xuất (Khoản 7 Điều 12).

Thông tư số 05/2015/TT-BKHĐT cũng hướng dẫn cụ thể về nội dung GPBH của nhà sản xuất. Theo đó, trong trường hợp các nhà sản xuất, các đại lý, nhà phân phối cố tình không cung cấp cho nhà thầu GPBH hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương mà không có lý do chính đáng, không tuân thủ các quy định của pháp luật về thương mại và cạnh tranh, dẫn đến tạo lợi thế hoặc tạo sự độc quyền cho nhà thầu khác thì nhà thầu cần kịp thời phản ánh đến Bộ KH&ĐT và Bộ Công Thương để kịp thời xử lý.

Tuy nhiên, trên thực tế, theo Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT, nhiều BMT đã cố tình lạm dụng quy định này để thông đồng với một hoặc một số nhà thầu đã được nhà sản xuất uỷ quyền phân phối hoặc bán hàng độc quyền nhằm đẩy giá hàng hoá lên cao và trúng thầu, các nhà thầu khác không có GPBH hoặc Giấy uỷ quyền của nhà sản xuất thì mặc nhiên bị loại.

Để khắc phục tình trạng trên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, nếu chỉ dựa vào pháp luật về đấu thầu là không đủ, mà cần phải bổ sung các chế tài trong cả các văn bản pháp luật liên quan như Luật Cạnh tranh. Hiện Bộ Công Thương được Chính phủ giao soạn thảo Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Đây là thời điểm thích hợp để bổ sung những chế tài cần thiết vào dự luật này nhằm góp phần tăng tính cạnh tranh trong hoạt động đấu thầu.

Cục Quản lý đấu thầu cũng vừa có ý kiến gửi Bộ Công Thương để hoàn thiện Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Cụ thể, theo Cục Quản lý đấu thầu, Khoản 6 Điều 12 của Dự thảo Luật chỉ mới quy định là “thỏa thuận thông đồng trong đấu thầu để một hoặc các bên của thỏa thuận thắng thầu trong việc cung cấp hàng hoá, cung ứng dịch vụ”. Do đó, Cục Quản lý đấu thầu đề nghị bổ sung thêm quy định “từ chối cung cấp hoặc đã cung cấp nhưng hủy bỏ GPBH của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương mà không có lý do chính đáng".

Chuyên đề