Bi hài mua HSYC gói thầu mua sắm thiết bị giáo dục

(BĐT) - Theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, trong tháng 6 và tháng 7/2017 có hàng trăm trường học các cấp trên cả nước đã và sẽ tổ chức đấu thầu các gói thầu mua sắm trang thiết bị giáo dục phục vụ giảng dạy và học tập. 
Hiện tượng không bán HSYC, HSMT các gói thầu mua sắm trang thiết bị giáo dục phổ biến đến mức báo động. Ảnh: Ngọc Kỳ
Hiện tượng không bán HSYC, HSMT các gói thầu mua sắm trang thiết bị giáo dục phổ biến đến mức báo động. Ảnh: Ngọc Kỳ

Tuy nhiên, thực tế mời thầu các gói thầu này thời gian qua cho thấy, không ít bên mời thầu đã từ chối thẳng thừng, không bán HSYC cho nhà thầu với lý do gói thầu đã có địa chỉ. Thậm chí, nội dung của nhiều bộ HSYC còn khiến nhà thầu không biết nên khóc hay nên cười.

Ngã ngửa khi đọc hồ sơ

Theo thông báo mời thầu được Báo Đấu thầu công khai, Trường THPT Chu Văn An, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai tổ chức mời thầu Gói thầu Mua sắm trang thiết bị trường học phục vụ công tác dạy và học thuộc dự án cùng tên theo hình thức chào hàng cạnh tranh trong nước, phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ. Gói thầu yêu cầu bảo đảm dự thầu bằng tiền mặt hoặc thư bảo lãnh do ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng hoạt động hợp pháp tại Việt Nam phát hành.

Theo phản ánh của các nhà thầu, quá trình đi mua HSYC gói thầu nêu trên bi hài không kể hết. Đầu tiên là việc nhà thầu đến mua HSYC được nhận một bộ hồ sơ không giống bất kỳ một bộ HSYC thông thường nào. Cụ thể, Nhà trường đã đưa cho nhà thầu Bảng yêu cầu báo giá in ấn cẩu thả và có những nội dung cực kỳ khó hiểu, thậm chí là sai hoàn toàn so với các quy định hiện hành. Điển hình như, danh mục hàng hóa nêu rõ máy tính thương hiệu Việt Nam FPT Elead; Switch TL-SG1024, dây điện CADIVI, dây cáp AMP xuất xứ Trung Quốc; đầu line AMP xuất xứ Việt Nam… Thậm chí, bên mời thầu còn yêu cầu nhà thầu nếu không phải là nhà sản xuất thì phải có thư hỗ trợ hoặc giấy phép bán hàng của nhà sản xuất cho những hàng hóa cung cấp.

“Chúng tôi thực sự không hiểu bên mời thầu đang áp dụng các quy định về đấu thầu như thế nào mà lại phát hành ra bộ hồ sơ lủng củng, sơ sài, không đúng mẫu, không tuân thủ các quy định về đấu thầu như vậy. Chưa kể, nội dung yêu cầu hàng hóa vi phạm rất nhiều quy định về xuất xứ hàng hóa. Đáng nói hơn, Bảng yêu cầu báo giá in sót trang, sót chữ, khiến nhà thầu phải hỏi lại bên mời thầu để bổ sung những nội dung chưa có trong HSYC”, đại diện một nhà thầu bức xúc phản ánh. 

Tình trạng tương tự tại nhiều gói thầu

Phản ánh của các nhà thầu đến Đường dây nóng của Báo Đấu thầu thời gian qua cho thấy, hiện tượng không bán HSYC, hồ sơ mời thầu phổ biến đến mức báo động. Đa số các gói thầu phát hành hồ sơ vào dịp hè nên nhà thầu rất khó tiếp cận. Các nhà thầu cũng nhận được nhiều câu trả lời thẳng thừng từ phía đại diện các trường là gói thầu đã có nhà cung cấp, nhà trường không bán hồ sơ.

Cũng từ phản ánh của các nhà thầu, qua quá trình tìm hiểu, trước đó, Báo Đấu thầu đã có loạt bài phản ánh về việc lẩn tránh bán HSYC 10 gói thầu mua sắm trang thiết bị trường học của 10 trường THCS tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. HSYC của những gói thầu này cũng bị chính các nhà thầu khiếu nại vì sự cẩu thả, thiếu chuyên nghiệp trong quá trình xây dựng các tiêu chí.

Tiếp đó, ngày 5/7/2017, phản ánh đến Báo Đấu thầu, một nhà thầu đến từ Bình Định đã phải kêu cứu vì không thể mua được HSYC của 2 trường THPT tại tỉnh Gia Lai là Trường THPT Nguyễn Thái Học, huyện Chư Pưh và Trường THPT Lê Quý Đôn, huyện Chư Prông. Theo phản ánh của nhà thầu, Trường THPT Lê Quý Đôn trả lời thẳng thừng với nhà thầu đến mua HSYC là đã có đơn vị khác thực hiện gói thầu đang mời; còn Trường THPT Nguyễn Thái Học thì không có ai trực ở trường để bán HSYC ngoài bảo vệ.

Nhằm làm rõ sự việc, Báo Đấu thầu đã liên hệ với ông Huỳnh Minh Thuận, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai. Theo đề nghị, Báo Đấu thầu đã gửi phản ánh của các nhà thầu đến ông Thuận, đồng thời yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai sớm trả lời thắc mắc của các nhà thầu.

Chuyên đề