Bị bên mời thầu xử ép, HANDICO 36 có thể khởi kiện ra tòa

(BĐT) - Không bằng lòng với kết quả “xử ép” của Bên mời thầu là Ban QLDA Đầu tư các công trình y tế Quảng Ninh và các cơ quan chức năng liên quan của tỉnh Quảng Ninh, mới đây nhà thầu Công ty CP Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội số 36 (HANDICO 36) lại tiếp tục gửi đơn kiến nghị đến Cục Quản lý đấu thầu và Sở Y tế Quảng Ninh - chủ đầu tư Dự án Nâng cấp, mở rộng Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Triều (giai đoạn 2) để đòi lại quyền lợi chính đáng của mình.
Dự án Nâng cấp, mở rộng Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Triều đang triển khai giai đoạn 2
Dự án Nâng cấp, mở rộng Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Triều đang triển khai giai đoạn 2

Con đường gian nan

Nhìn vào các mốc đeo bám Gói thầu số 02: Xây dựng các công trình nhà, hạ tầng kỹ thuật và phụ trợ thuộc Dự án Nâng cấp, mở rộng Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Triều (giai đoạn 2) ban hành kèm theo Quyết định số 94/QĐ-SYT ngày 2/2/2016 của Sở Y tế Quảng Ninh mới thấy được từ lúc mua hồ sơ mời thầu (HSMT) đến nay, HANDICO 36 gần như lúc nào cũng “tất bật” trong việc phải liên tục “gõ cửa” các cơ quan chức năng để đòi lại quyền lợi chính đáng của mình.

Nhà thầu này cho biết, sau khi mua HSMT, phát hiện thấy HSMT có những điểm bất cập, đã gửi văn bản đến Bên mời thầu để làm rõ một số nội dung chưa hợp lý. Thực tế cũng đã cho thấy, HSMT còn nhiều chỗ khiếm khuyết bị các nhà thầu mua HSMT bắt lỗi và Bên mời thầu đã 2 lần phải tiến hành việc sửa đổi HSMT (văn bản sửa HSMT lần 1 số 13/BQLDA-XD ngày 17/2/2016 và Văn bản sửa HSMT lần 2 số 17/BQLDA-XD ngày 1/3/2016 sửa đổi, làm rõ HSMT và gia hạn thời điểm đóng thầu Gói thầu số 02). Cũng trong ngày 1/3/2016, Sở Y tế Quảng Ninh đã có Quyết định số 281/QĐ-SYT phê duyệt sửa đổi HSMT gói thầu này.

Ngày 14/3/2016, HANDICO 36 đã nộp HSDT và tham gia mở thầu gói thầu trên. Ngày 30/3, Bên mời thầu yêu cầu nhà thầu này làm rõ một số nội dung trong HSDT. Tiếp đó, ngày 1/4 và 4/4, nhà thầu đã cử cán bộ đến làm việc với Bên mời thầu để làm rõ các nội dung mà Bên mời thầu yêu cầu. 

Tuy nhiên, đến ngày 16/5/2016, Ban QLDA Đầu tư các công trình y tế có Văn bản số 55/TB-BQLDA thông báo lý do các nhà thầu không đáp ứng về mặt kỹ thuật Gói thầu số 02, trong đó nêu 3 lý do loại HSDT của HANDICO 36, gồm: nhân sự chủ chốt cho Gói thầu, thiết bị thi công chủ yếu dự kiến huy động để thực hiện Gói thầu và năng lực tài chính của nhà thầu.

Không đồng tình với các nội dung được nêu tại Văn bản số 55/TB-BQLDA, ngày 18/5/2016, HANDICO 36 đã gửi đơn kiến nghị đến UBND tỉnh Quảng Ninh và Cục Quản lý đấu thầu – Bộ KH&ĐT. Ngày 20/5/2016, Cục Quản lý đấu thầu có Văn bản số 437/QLĐT-ĐT gửi Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Ninh về kiến nghị về kết quả đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật, trong đó, Cục QLĐT đề nghị Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Ninh, với vai trò là cơ quan tham mưu về đấu thầu tại địa phương, báo cáo UBND Tỉnh xem xét, giải quyết kiến nghị của nhà thầu theo quy trình tại Điều 92 Luật Đấu thầu 2013.

Ngày 31/5/2016, UBND tỉnh Quảng Ninh có Văn bản số 3081/UBND-XD4 gửi Sở KH&ĐT, Sở Y tế Quảng Ninh về việc kiểm tra nội dung kiến nghị công tác đấu thầu Gói thầu số 02. Ngày 15/6/2016, trong Đơn kiến nghị gửi Báo Đấu thầu, HANDICO 36 cho biết, trong khi chờ kết quả giải quyết của UBND tỉnh Quảng Ninh, ngày 14/6/2016, Công ty nhận được Văn bản số 73/TB-BQLDA đề ngày 7/6/2016 của Bên mời thầu thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu, trong đó vẫn nêu lý do rất chung chung về các nội dung mà nhà thầu đã kiến nghị nhiều lần là chưa thỏa đáng. Nhà thầu cho rằng, trong khi việc giải quyết kiến nghị đối với HANDICO 36 không thỏa đáng thì Bên mời thầu lại vội vàng ký hợp đồng với nhà thầu trúng thầu và vội vàng cho khởi công công trình. Vì vậy, nhà thầu một lần nữa lại kiến nghị lên Cục Quản lý đấu thầu và Chủ đầu tư - Sở Y tế Quảng Ninh về kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 02.

Nhà thầu có quyền khởi kiện ra tòa án

Câu chuyện “đi đòi công lý” của nhà thầu có tiếp tục khi mà gói thầu đã được triển khai thi công, các cơ quan chức năng ở địa phương dù có những kết luận đối với vụ việc này nhưng vẫn chưa thỏa đáng, không những không làm cho nhà thầu “tâm phục khẩu phục”, mà còn nhen nhóm lên ở nhà thầu quyết tâm mãnh liệt về việc đòi lại công bằng cho chính mình vì bị xử ép?
Sau khi nhận được đơn kiến nghị của HANDICO 36 đề ngày 14/6/2016, mới đây Cục Quản lý đấu thầu đã có Văn bản số 538/QLĐT-ĐT gửi Sở Y tế Quảng Ninh - chủ đầu tư Dự án. Trong đó, Cục Quản lý đấu thầu cho rằng, đối với kiến nghị của HANDICO 36 về kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 02, Cục đề nghị Sở Y tế với vai trò là chủ đầu tư dự án, xem xét, trả lời thấu đáo kiến nghị của nhà thầu theo quy định, tránh việc nhà thầu tiếp tục khiếu kiện kéo dài. Đây không phải là lần đầu tiên Cục Quản lý đấu thầu có đề xuất “xem xét giải quyết thấu đáo kiến nghị của nhà thầu theo quy định” để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho nhà thầu.

Với sự “vất vả”, năm lần bảy lượt gõ cửa các cơ quan chức năng ở địa phương cũng như ở Trung ương nhưng kết quả giải quyết kiến nghị cho nhà thầu chưa thỏa đáng, nhà thầu này vẫn chưa “tâm phục khẩu phục” nên việc kiến nghị của nhà thầu đến nay vẫn chưa chấm dứt.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Tiến Hưng - Tổng giám đốc HANDICO 36 cho biết, đây là lần đầu tiên nhà thầu gửi đơn kiến nghị, cầu cứu nhiều cơ quan liên quan của địa phương nhiều lần để mong được sự quan tâm, chỉ đạo giải quyết thỏa đáng. Bởi vì ở vụ việc này, nhà thầu cảm thấy oan ức và không thỏa đáng, bên mời thầu đã dùng những điều kiện, tiêu chí không quan trọng để loại bỏ nhà thầu. Làm một HSDT hàng trăm trang theo yêu cầu của HSMT sẽ khó tránh khỏi những sơ suất nhỏ, bản thân HSMT cũng phải chỉnh sửa nhiều lần nhưng Bên mời thầu không những không thông cảm - chấp nhận việc làm rõ HSDT mà còn cố “xử ép” nhà thầu. “Trên thực tế, chúng tôi có thừa năng lực và kinh nghiệm để thực hiện gói thầu này”, ông Hưng chia sẻ.

Tại Văn bản số 538/QLĐT-ĐT, Cục Quản lý đấu thầu cũng cho rằng: “Khi thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị ảnh hưởng, nhà thầu có quyền kiến nghị đến chủ đầu tư, người có thẩm quyền về kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy trình tại Khoản 2 Điều 92 Luật Đấu thầu 2013 hoặc khởi kiện ra Tòa án vào bất kỳ thời gian nào, kể cả trong quá trình giải quyết kiến nghị hoặc sau khi đã có kết quả giải quyết kiến nghị”.

Liệu sự việc này sẽ đi về đâu, câu chuyện “đi đòi công lý” của nhà thầu có tiếp tục khi mà gói thầu đã được triển khai thi công, các cơ quan chức năng ở địa phương dù có những kết luận đối với vụ việc này nhưng vẫn chưa thỏa đáng, không những không làm cho nhà thầu “tâm phục khẩu phục”, mà còn nhen nhóm lên ở nhà thầu quyết tâm mãnh liệt về việc đòi lại công bằng cho chính mình vì bị xử ép?

Chuyên đề