Bên mời thầu tự ý sửa quy định về cấp doanh nghiệp?

(BĐT) - Sau khi đăng tải bài viết “HSMT gói thầu xây lắp công trình tại Bình Định: Tiêu chí không bình thường?”, phản ánh công tác mời thầu tại một gói thầu do Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Bình Định làm bên mời thầu, Báo Đấu thầu tiếp tục nhận được phản ánh của nhiều nhà thầu về một gói thầu khác cũng do Ban này mời thầu.
Bên mời thầu tự ý sửa quy định về cấp doanh nghiệp?

Theo phản ánh của các nhà thầu, Gói thầu số 03: Xây dựng hệ thống điện chiếu sáng trên QL1 (huyện Tuy Phước) thuộc Dự án Xây dựng hệ thống điện chiếu sáng để đảm bảo an toàn giao thông trên QL1 có nội dung gây nhiều bức xúc do làm mất cơ hội dự thầu của nhiều nhà thầu.

Cụ thể, nội dung về tư cách hợp lệ, phần chỉ dẫn nhà thầu trong hồ sơ yêu cầu của Gói thầu số 03 quy định: “Là doanh nghiệp (DN) cấp nhỏ hoặc siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về DN. DN cấp siêu nhỏ: số lao động từ 10 người trở xuống theo Khoản 1, Điều 3, Nghị định 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ; DN cấp nhỏ là DN mà trong đó có tổng nguồn vốn từ 20 tỷ đồng trở xuống và có số lao động từ 10 đến 200 người”.

Các nhà thầu mua HSYC của Gói thầu số 03 cho biết, đối với quy định về DN cấp nhỏ, không hiểu vì lý do gì mà bên mời thầu lại áp dụng sai nội dung của Nghị định 56/2009/NĐ-CP. “Chúng tôi đã đối chiếu HSYC và Nghị định 56/2009/NĐ-CP để trao đổi với bên mời thầu nhưng không thể tìm được tiếng nói chung. Theo Nghị định 56/2009/NĐ-CP, nhà thầu chỉ cần đáp ứng 1 trong 2 điều kiện về tổng nguồn vốn hoặc tổng số lao động bình quân năm. Trong khi đó, HSYC lại yêu cầu đồng thời cả 2 tiêu chí này. Do đó, có nhiều nhà thầu mặc dù quy mô sử dụng lao động chỉ vài chục người nhưng tổng nguồn vốn vượt quá 20 tỷ đồng đã bị loại ngay từ khâu tư cách hợp lệ”, các nhà thầu cho biết.            

Nghị định 56/2009/NĐ-CP quy định về các cấp doanh nghiệp: siêu nhỏ, nhỏ, vừa

Nghị định 56/2009/NĐ-CP quy định, DN nhỏ và vừa là cơ sở kinh doanh đã đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật, được chia thành ba cấp: siêu nhỏ, nhỏ, vừa theo quy mô tổng nguồn vốn (tổng nguồn vốn tương đương tổng tài sản được xác định trong bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp) hoặc số lao động bình quân năm, trong đó tổng nguồn vốn là tiêu chí ưu tiên (xem bảng).

Theo chia sẻ của các nhà thầu, do bị loại từ khâu tư cách hợp lệ, không thể dự thầu nên các nhà thầu chỉ biết than thở với nhau chứ không thực hiện các bước kiến nghị đấu thầu theo quy định. “Tuy nhiên, chúng tôi rất mong Báo Đấu thầu có thông tin phản ánh để bên mời thầu xem xét, đánh giá lại các tiêu chí nêu tại HSYC đã phù hợp với quy định hay chưa? Đồng thời, nếu cần thiết có sự thay đổi trong cách xây dựng tiêu chí của HSYC nhằm tạo điều kiện cho các nhà thầu tham gia một cách cạnh tranh, bình đẳng. Không thể vì một chữ được áp dụng sai khi xây dựng HSYC mà tước mất cơ hội dự thầu của rất nhiều nhà thầu”, một nhà thầu chia sẻ.

Ngày 19/9/2017, Phóng viên Báo Đấu thầu đã liên hệ với ông Lê Từ, Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Bình Định nhằm có thông tin chính thức. Tuy nhiên, ông Từ cho biết đang bận họp, không thể trao đổi được.

Trước đó, Báo Đấu thầu có bài viết “HSMT gói thầu xây lắp công trình tại Bình Định: Tiêu chí không bình thường?” số ra ngày13/9/2017 phản ánh kiến nghị của nhà thầu về HSMT Gói thầu số 3: Xây dựng nền mặt đường và công trình thoát nước nhỏ đoạn Km137+580 thuộc Dự án Nâng cấp tuyến đường ĐT.639B (Đường Tây tỉnh) đoạn Km113+00 - Km145+00, phân đoạn Km137+580 - Km143+787 do Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Bình Định làm bên mời thầu. Nhà thầu cho rằng HSMT đưa ra các tiêu chí hạn chế sự cạnh tranh bình đẳng của nhà thầu. Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu ngày 8/9/2017, ông Lê Từ, Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Bình Định cho biết, việc phản ánh của nhà thầu đang được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định xem xét, hiện Ban vẫn đang chờ ý kiến của Sở.

Chuyên đề