Bất ngờ về thông tin dược liệu kém chất lượng của Hòa Phú

(BĐT) - Là đơn vị được giao tổ chức đấu thầu Gói thầu Cung ứng dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền năm 2013, Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM (BVYHCT) đã chính thức lên tiếng về việc để Liên danh Hòa Phú - Thiên Ân Dược trúng thầu gói thầu này. 
Tại Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM, dược liệu và các vị thuốc vẫn đang được bán ra hàng ngày cho người bệnh. Ảnh: V.H
Tại Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM, dược liệu và các vị thuốc vẫn đang được bán ra hàng ngày cho người bệnh. Ảnh: V.H

Báo Đấu thầu ghi lại cuộc trao đổi với ông Nguyễn Phương Nam, Trưởng Khoa Dược BVYHCT TP.HCM.

BVYHCT trả lời thế nào trước kết luận kiểm tra của Bộ Y tế về công tác tổ chức đấu thầu Gói thầu Cung ứng dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền, trong đó có việc để Liên danh Hòa Phú - Thiên Ân Dược trúng thầu?

Có một số nội dung mà BVYHCT muốn làm rõ để dư luận hiểu. Thứ nhất, về tư cách hợp lệ của nhà thầu, theo kết quả kiểm tra của Bộ Y tế thì Liên danh Hòa Phú - Thiên Ân Dược không có Chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh sản xuất sơ chế và chế biến dược liệu do cơ quan có thẩm quyền cấp. Về điều này, trước đó, Bệnh viện đã hướng dẫn các nhà thầu phải tuân thủ quy định và tiến hành đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) của các nhà thầu theo tiêu chí “chỉ cần có một trong các văn bản pháp lý đã liệt kê trong hồ sơ mời thầu (HSMT) là đạt yêu cầu”. Tuy nhiên, do kỹ thuật trình bày văn bản trong HSMT chưa rõ, Bệnh viện xin nhận khuyết điểm và rút kinh nghiệm cho những lần đấu thầu tiếp theo.

Thứ hai, về tiêu chuẩn chất lượng, kết quả kiểm tra của Bộ Y tế đánh giá, theo yêu cầu khác về tính hợp lệ của hàng hóa, trong HSDT phải có cam kết các dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền phải đảm bảo các yêu cầu về chất lượng theo Tiêu chuẩn Dược điển Việt Nam (DĐVN) IV, Tiêu chuẩn cơ sở (TCCS). Tuy nhiên, trong HSDT của Liên danh Hòa Phú - Thiên Ân Dược chỉ có cam kết về chất lượng theo Tiêu chuẩn DĐVN IV nhưng không có cam kết theo TCCS. Ngoài ra, Bảng chào giá của cả gói dược liệu đã chế biến và dược liệu chưa chế biến cũng chỉ chào hàng theo Tiêu chuẩn DĐVN IV.

Về kết luận này của Bộ Y tế, BVYHCT cho rằng, Thông tư 09/2010/TT/BYT ngày 28/4/2010 hướng dẫn việc quản lý chất lượng thuốc có quy định: “Các cơ sở sản xuất, pha chế thuốc có thể áp dụng DĐVN hoặc xây dựng TCCS cho sản phẩm do mình sản xuất trên cơ sở các quy định tại DĐVN và các văn bản pháp luật có liên quan”. Quy định này được hiểu chỉ cần thỏa mãn một trong 2 tiêu chuẩn là Tiêu chuẩn DĐVN IV hoặc TCCS là được. Thông tư này sử dụng chữ “hoặc” nhưng Bệnh viên sử dụng dấu “phẩy”; đây là lỗi do quá trình soạn thảo văn bản. Chúng tôi một lần nữa xin nhận khuyết điểm và rút kinh nghiệm cho những lần đấu thầu tiếp theo.

Thanh tra Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM

Ngày 21/4/2016, trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, bà Hà Thị Hồng Linh, Trưởng Phòng Kế hoạch BVYHCT TP.HCM cho biết, Sở Y tế TP.HCM vừa công bố Quyết định thanh tra đối với bệnh viện này. Nội dung thanh tra chủ yếu tập trung vào công tác đấu thầu mua dược liệu, vị thuốc trong toàn bộ giai đoạn 2013, 2014, 2015, trong đó có Gói thầu Mua dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền 2013.

Thứ ba, về vấn đề Bộ Y tế yêu cầu phải có phiếu kiểm nghiệm cho từng loại dược liệu và cho từng loại vị thuốc y học cổ truyền theo lô, mẻ sản xuất (có cam kết), nhưng trong HSDT của Liên danh Hòa Phú - Thiên Ân Dược lại chỉ có phiếu phân tích, chúng tôi xin giải trình: Tại TP.HCM hiện có 2 đơn vị chức năng kiểm nghiệm dược liệu là Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM và Trung tâm Kiểm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm TP.HCM. Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM trả kết quả bằng “phiếu kiểm nghiệm”, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm TP.HCM trả kết quả bằng “phiếu phân tích”. Hai phiếu này có giá trị pháp lý như nhau. Tuy nhiên, để việc đấu thầu tiếp theo được tốt hơn, Bệnh viện sẽ ghi rõ vào HSMT yêu cầu “có phiếu kiểm nghiệm hoặc phiếu phân tích”.

BVYHCT đánh giá thế nào về thông tin từ quản lý thị trường và cơ quan chống hàng giả khẳng định Hòa Phú sử dụng và cung cấp dược liệu kém chất lượng, nguồn gốc không rõ ràng?

Chúng tôi hoàn toàn bất ngờ về thông tin này. Thực ra, khi cơ quan quản lý thị trường vào kiểm tra Hòa Phú, đại diện cơ quan này có mời chuyên gia của Bệnh viện tham gia kiểm tra và chúng tôi đã cử chuyên gia theo đoàn. Theo ý kiến chuyên môn của chúng tôi, những kết quả được công bố như vậy là hơi quá. Dược liệu khác tây y, chỉ cần kiểm tra độ ẩm không đạt, độ tro không đạt là sẽ không đạt. Nếu kiểm tra là không đúng loại thì là hàng giả. Với tỷ lệ 59% số dược liệu được kiểm tra không đạt chất lượng, Bệnh viện bây giờ mới biết.

Tại BVYHCT, chúng tôi có quy trình kiểm tra chặt chẽ chất lượng đầu vào. Các bước kiểm tra như cảm quan, lấy mẫu để kiểm nghiệm trong khả năng của Bệnh viện; độ ẩm, độ tro… đều thực hiện đúng quy trình. Đối với các nhà cung cấp, trúng thầu là một việc, cung cấp dược liệu lại là việc khác. Yêu cầu đặt ra là cần phải có hóa đơn, phiếu kiểm nghiệm lô hàng. Không phải đấu thầu xong, nhà thầu cung cấp cái gì cũng nhận. Thuốc phải đạt Bệnh viện mới nhập. Sau đấu thầu, thực hiện đúng quy trình nhập kho, lưu hàng. Hòa Phú có hàng hóa không đạt cung cấp ở đâu chúng tôi không biết, nhưng khi đã vào BVYHCT là phải đảm bảo chất lượng.

Theo đánh giá của BVYHCT, Hòa Phú là một nhà thầu có năng lực như thế nào trong lĩnh vực dược liệu?

Đến thời điểm hiện tại, theo đánh giá của chúng tôi, Hòa Phú vẫn là một nhà thầu cung cấp dược liệu có uy tín và thực lực. Năm 2015, khi BVYHCT tổ chức đấu thầu 3 gói thầu mua thuốc, nhà thầu Hòa Phú đã trúng 2/3 gói.

Riêng gói thí điểm năm 2013, chúng tôi đưa thêm nhiều tiêu chí trong HSMT, dẫn đến việc Hòa Phú phải liên danh với Thiên Ân Dược. Sau 2013, khi tham gia đấu thầu, Hòa Phú không còn liên danh với đơn vị nào khác. Nếu có điều kiện thăm các công ty đông dược có thể thấy Hòa Phú là nhà thầu sở hữu xưởng dược liệu có quy mô ở Hóc Môn.

Chuyên đề