“Bắt bệnh” lẩn trốn trách nhiệm công bố thông tin trong đấu thầu

(BĐT) - Một trong những sứ mệnh quan trọng của báo chí là tham gia chống tham nhũng, tiêu cực bằng việc phát hiện, phản ánh kịp thời những biểu hiện tiêu cực trong đời sống kinh tế. 
Báo chí giám sát hoạt động đấu thầu sẽ góp phần nhận diện được những hiện tượng thực thi chính sách chưa nghiêm, thậm chí là tiêu cực, dấu hiệu lợi ích nhóm. Ảnh: Tường Lâm
Báo chí giám sát hoạt động đấu thầu sẽ góp phần nhận diện được những hiện tượng thực thi chính sách chưa nghiêm, thậm chí là tiêu cực, dấu hiệu lợi ích nhóm. Ảnh: Tường Lâm

Có thể nói, Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Báo chí đã xây dựng được các hành lang pháp lý thông thoáng để báo chí phát huy vai trò xung kích của mình. Luật Đấu thầu cũng quy định rất rõ công tác minh bạch hóa thông tin đấu thầu, góp phần không nhỏ cho công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Quy định đã chặt chẽ

Luật Đấu thầu quy định rõ ràng và cụ thể trách nhiệm của các bên liên quan về công khai thông tin đấu thầu.

Theo Điều 8 Luật Đấu thầu, các thông tin phải được đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, Báo Đấu thầu bao gồm: Kế hoạch lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; Thông báo mời quan tâm, thông báo mời sơ tuyển; Thông báo mời chào hàng, thông báo mời thầu; Danh sách ngắn; Kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; Kết quả mở thầu đối với đấu thầu qua mạng; Thông tin xử lý vi phạm pháp luật về đấu thầu; Văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu; Danh mục dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án có sử dụng đất; Cơ sở dữ liệu về nhà thầu, nhà đầu tư, chuyên gia đấu thầu…

Như vậy, gần như toàn bộ thông tin về hoạt động đấu thầu sử dụng ngân sách nhà nước đều được quy định phải đăng tải công khai trên Báo Đấu thầu, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, đồng thời khuyến khích đăng tải công khai, rộng rãi trên các phương tiện thông tin khác tùy quy mô của mỗi gói thầu.

Nhiều chuyên gia đấu thầu cùng chung nhận định, Việt Nam đã và đang làm tốt việc công khai và minh bạch hóa các hoạt động mua sắm, đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Điều này không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư công, mà còn tăng thêm năng lực giám sát, nâng cao trách nhiệm giải trình, hỗ trợ đáng kể cho công tác ngăn ngừa tham nhũng, tạo niềm tin cho doanh nghiệp và cộng đồng các nhà tài trợ.

Luật Đấu thầu cũng quy định rất rõ tại Điều 75 về trách nhiệm của các bên liên quan trong việc cung cấp thông tin đấu thầu. Cụ thể, các khoản 1, 2, 3, 4 của Điều 75 quy định rõ trách nhiệm của bên mời thầu. Theo đó, bên mời thầu có trách nhiệm cung cấp các thông tin cho Báo Đấu thầu và Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan và giải trình việc thực hiện các quy định tại các khoản này theo yêu cầu của người có thẩm quyền, chủ đầu tư, cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu.

Khoản 7 Điều 77 quy định trách nhiệm của nhà thầu, nhà đầu tư: Cung cấp thông tin, tài liệu liên quan và giải trình việc thực hiện các quy định tại Điều này theo yêu cầu của người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu, cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu.

Như vậy, có thể thấy các bên liên quan trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu, lựa chọn nhà đầu tư đều có trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin đấu thầu. Đã qua rồi cái thời đấu thầu được coi là việc “trong nhà”, sai phạm thì đóng cửa bảo nhau. Mỗi hoạt động mua sắm, đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước đều phải được công khai rộng rãi và phổ biến hơn bao giờ hết. Từ đó, các cơ quan nâng cao trách nhiệm của mình khi tổ chức đấu thầu. 

Tuân thủ chưa nghiêm

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, các nhà thầu chia sẻ, họ có được nhiều thông tin về hoạt động đấu thầu, tức là thông tin tìm kiếm cơ hội làm ăn chính đáng trên Báo Đấu thầu. Đây là kênh thông tin hữu ích nhất cho các nhà thầu và là nơi tạo ra những cuộc cạnh tranh công khai và góp phần đưa công tác đấu thầu ngày càng hiệu quả hơn.
Mặc dù đã có quy định chặt chẽ và đầy đủ, tuy nhiên đây đó vẫn xuất hiện các câu chuyện liên quan đến công khai thông tin đấu thầu. Qua khảo sát của Báo Đấu thầu cũng như phản ánh của nhiều nhà thầu, có nhiều chủ đầu tư vẫn chưa chủ động, tích cực trong việc công khai thông tin đấu thầu.

Hai loại thông tin thường bị “lẩn trốn” đăng tải là kế hoạch lựa chọn nhà thầu và kết quả lựa chọn nhà thầu. Điều này không chỉ diễn ra ở những chủ đầu tư địa phương mà còn gặp ở những tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn.

Ở không ít nơi, bên mời thầu “quên” công khai kết quả lựa chọn đối với những gói thầu có nhà thầu quen thuộc trúng thầu, mặc dù đấu thầu rộng rãi, gói thầu có giá trị lớn nhưng tỷ lệ tiết kiệm rất thấp. Một hiện tượng khác không hiếm xảy ra là gói thầu đã triển khai, bên mời thầu chỉ thực hiện công khai thông tin mời thầu một cách “để có” nhằm hợp thức hóa việc lựa chọn nhà thầu, nên tìm cách lẩn tránh việc phát hành hồ sơ mời thầu.

Theo một chuyên gia về đấu thầu, chế tài để xử lý đối với bên mời thầu không công bố thông tin đấu thầu đã có, nhưng vấn đề là do chủ đầu tư, người có thẩm quyền, cấp có thẩm quyền xử lý không nghiêm, còn nể nang, bao che hoặc lừng khừng, chậm trễ khi phải xử lý bên mời thầu, nên những hành vi vi phạm của nhiều bên mời thầu vẫn ngang nhiên có “đất để diễn”. Vai trò của chủ đầu tư, cơ quan có thẩm quyền là rất lớn trong việc hạn chế các tiêu cực trong đấu thầu, mà việc không công bố thông tin chỉ là biểu hiện mang tính chất bề nổi. Theo Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Bình Định, báo chí giám sát hoạt động đấu thầu sẽ góp phần nhận diện được những hiện tượng thực thi chính sách đấu thầu chưa nghiêm, thậm chí là tiêu cực, dấu hiệu lợi ích nhóm. Qua đó, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng sẽ có ý nghĩa tích cực, thiết thực, xóa bỏ những điểm mờ thông tin trong hoạt động đấu thầu.

Chuyên đề