Ban QLDA đầu tư xây dựng TP. Cần Thơ: Khó hiểu tiêu chí chọn nhà thầu

(BĐT) - Sau 2 lần tổ chức đấu thầu một gói thầu cung cấp, lắp đặt trang thiết bị nhưng không lựa chọn được nhà thầu, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Cần Thơ đã phải phát hành hồ sơ yêu cầu (HSYC) lần thứ 3. 
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Cần Thơ đã 2 lần hủy thầu do không chọn được nhà thầu đáp ứng yêu cầu cho Gói thầu Cung cấp, lắp đặt trang thiết bị. Ảnh: Lê Tiên
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Cần Thơ đã 2 lần hủy thầu do không chọn được nhà thầu đáp ứng yêu cầu cho Gói thầu Cung cấp, lắp đặt trang thiết bị. Ảnh: Lê Tiên

Tại lần phát hành HSYC này, một số nhà thầu cho rằng, thay vì “nới rộng” các tiêu chí để lựa chọn được nhà thầu đáp ứng, BMT lại đưa ra tiêu chí trong HSYC cao hơn một cách thiếu hợp lý so với các HSYC trước đó. 

Yêu cầu cao hơn về nhân sự

Ngày 8/12/2016, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Cần Thơ (bên mời thầu - BMT) chính thức phát hành HSYC lần 1 Gói thầu Cung cấp, lắp đặt trang thiết bị thuộc Dự án Trường Chính trị TP. Cần Thơ theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước, phương thức đấu thầu một giai đoạn hai túi hồ sơ. Nội dung chính của Gói thầu là cung cấp, lắp đặt trang thiết bị cho dự án theo đúng danh mục, đặc tính kỹ thuật thiết bị đã được duyệt.

Theo Biên bản mở thầu, có 4 nhà thầu tham gia nộp hồ sơ đề xuất (HSĐX) gói thầu nêu trên. Mặc dù vậy, Gói thầu đã bị hủy do không lựa chọn được nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật theo quy định của HSYC.

Ngày 23/2/2017, BMT lại phát hành HSYC của gói thầu trên lần 2 và mở thầu vào ngày 15/3/2017 cũng với 4 nhà thầu tham gia nộp HSĐX. Tuy nhiên, không lâu sau đó, BMT lại thông báo hủy thầu với lý do tương tự như đã nêu trên. Đến ngày 13/4/2017, một lần nữa HSYC của Gói thầu tiếp tục được phát hành lại.

Mặc dù đã qua 3 lần phát hành HSYC, tuy nhiên, theo phản ánh của một số nhà thầu, các tiêu chí về hợp đồng tương tự, yêu cầu nhân sự, giấy phép bán hàng trong 3 HSYC được BMT đưa ra liên tục có những thay đổi. Đáng chú ý, HSYC lần 3 có những tiêu chí được BMT đưa ra còn “khó hơn” 2 hồ sơ trước.

Cụ thể, ở tiêu chí nhân sự thực hiện Gói thầu, trong 2 lần tổ chức đấu thầu đầu tiên, HSYC chỉ yêu cầu “cán bộ kỹ thuật phụ trách quá trình cung cấp, lắp đặt, vận hành thiết bị, hướng dẫn đào tạo và chuyển giao công nghệ với số lượng ≥ 3 người”; đồng thời yêu cầu xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội về việc đóng bảo hiểm tại nhà thầu đến quý IV/2016. Tuy nhiên, tại HSYC lần 3, tiêu chí này nhảy vọt với yêu cầu ≥ 7 cán bộ kỹ thuật phụ trách và ≥45 công nhân thực hiện. Đặc biệt, 45 công nhân thực hiện phải có xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội về việc đóng bảo hiểm tại nhà thầu đến tháng 4/2017, thậm chí kèm theo Sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế của các nhân sự này.

Liên quan đến giấy phép bán hàng, đại diện nhà thầu cho biết, trong 2 HSYC lần 1 và 2 BMT chỉ yêu cầu cung cấp giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc nhà phân phối, đại lý chính thức của nhà sản xuất tại Việt Nam đối với một số thiết bị được cho là thiết yếu đối với Gói thầu. Cụ thể, BMT yêu cầu nhà thầu phải có giấy phép bán hàng của thiết bị bàn mixer, cục đẩy công suất, loa hội trường; máy vi tính; thang nâng và máy phát điện.

Song, tại HSYC lần 3, BMT lại yêu cầu phải có giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc nhà phân phối, đại lý chính thức của nhà sản xuất tại Việt Nam đối với toàn bộ thiết bị phần âm thanh, máy lạnh, máy chiếu, trạm biến áp. Điều đó đồng nghĩa với việc ngay cả những hàng hóa thông dụng, sẵn có trên thị trường như amply, micro… cũng cần phải có giấy phép bán hàng. Đáng chú ý, nếu trong các lần mời thầu trước, BMT yêu cầu có giấy phép bán hàng của máy vi tính, thang nâng và máy phát điện thì ở lần mời thầu thứ 3 BMT đã bỏ hoàn toàn các yêu cầu này. Thay vào đó là yêu cầu có giấy phép bán hàng của máy lạnh, máy chiếu và trạm biến áp.

Giải thích của bên mời thầu có thỏa đáng?

Theo một cán bộ của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Cần Thơ, trong 2 lần mở thầu trước, BMT đều tiến hành mở thầu và đánh giá về đề xuất kỹ thuật theo đúng quy định. Nhưng vì HSĐX của các nhà thầu không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của HSYC nên BMT đã hủy thầu.

Mặt khác, với tính chất đa dạng trong thiết bị được yêu cầu cung cấp của Gói thầu nên nếu chỉ tham dự với tư cách nhà thầu độc lập thì không có nhà thầu nào có hợp đồng tương tự đáp ứng. “Sau 2 lần tổ chức lựa chọn nhà thầu không thành, BMT nghĩ là các nhà thầu cần phải liên danh với nhau trong việc cung ứng thiết bị thì mới đảm bảo năng lực tham gia”, cán bộ nêu trên cho biết.

Giải thích về việc BMT yêu cầu nhà thầu phải có 45 công nhân có tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, một cán bộ khác của Phòng Kế hoạch - Thẩm định cho biết, do BMT đã mất khá nhiều thời gian cho 2 lần lựa chọn nhà thầu trước đó mà không thành, nên đối với tiêu chí về nhân sự, BMT muốn nhà thầu trúng thầu phải đảm bảo nhân lực tối đa để thực hiện Gói thầu nhanh nhất. “Muốn giảm thời gian thi công để đáp ứng tiến độ của Gói thầu thì phải tăng số lượng người và máy móc tham gia” – vị cán bộ này lý giải.

Trong khi đó, một số chuyên gia trong lĩnh vực đấu thầu cho rằng, pháp luật về đấu thầu không có quy định về đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, mà chỉ yêu cầu kê khai nhân sự dự kiến huy động có năng lực, kinh nghiệm phù hợp với vị trí đảm nhiệm, đáp ứng yêu cầu của HSMT, HSYC.

Liên quan đến yêu cầu về giấy phép bán hàng, cán bộ trên khẳng định, các thiết bị được yêu cầu cung cấp giấy phép bán hàng đều là những thiết bị cơ bản. Việc của nhà thầu khi tham dự các gói thầu mua sắm hàng hóa là phải cung cấp được giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc nhà phân phối, đại lý chính thức của nhà sản xuất tại Việt Nam đối với các sản phẩm hàng hóa mà nhà thầu cung cấp. Trường hợp tự sản xuất được thì theo quy định nhà thầu vẫn phải chứng minh được nguồn gốc của loại hàng hóa mình cung cấp.

Về yêu cầu nêu trên, một số chuyên gia cho rằng, việc quy định giấy phép bán hàng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa cần căn cứ vào quy mô, tính chất của hàng hóa để quy định cho phù hợp. Trường hợp hàng hóa cần mua là loại hàng hóa thông thường, thông dụng, sẵn có trên thị trường, đã được tiêu chuẩn hóa và được bảo hành theo quy định của nhà sản xuất nhưng chủ đầu tư, bên mời thầu vẫn yêu cầu nhà thầu phải có giấy phép bán hàng của nhà sản xuất trong hồ sơ yêu cầu nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng thì sẽ bị coi là vi phạm quy định tại Khoản2 Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP. Việc cung cấp giấy phép bán hàng thuộc thẩm quyền của nhà sản xuất trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật về thương mại và cạnh tranh.

Chuyên đề