Bắc Ninh: Tỷ lệ hàng ngoại cao trong các gói thầu

(BĐT) - Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Bắc Ninh, sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 494/CT-TTg về việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước trên địa bàn Tỉnh không có dự án nào tổ chức thực hiện đấu thầu quốc tế đối với gói thầu sử dụng vốn nhà nước.
Tỷ lệ sử dụng hàng sản xuất trong nước trong các gói thầu sử dụng vốn nhà nước ở Bắc Ninh còn thấp. Ảnh: Nhã Chi
Tỷ lệ sử dụng hàng sản xuất trong nước trong các gói thầu sử dụng vốn nhà nước ở Bắc Ninh còn thấp. Ảnh: Nhã Chi

Tổng giá trị hợp đồng của các gói thầu sử dụng vật tư, hàng hóa được nhập khẩu là khoảng 1.228,202 tỷ đồng. Trong đó, tổng giá trị vật tư, hàng hóa nhập khẩu được sử dụng là khoảng 0,613 tỷ đồng, chiếm 50% tổng giá trị hợp đồng.

Xét riêng theo từng lĩnh vực, hàng hóa nhập khẩu trong các gói thầu mua sắm hàng hóa chiếm tỷ lệ lớn nhất, chiếm 91% tổng giá trị hợp đồng; tiếp đó là gói thầu EPC/hỗn hợp với 67% tổng giá trị hợp đồng và thấp nhất là trong các gói thầu xây lắp với 21% tổng giá trị hợp đồng.

Nhìn chung, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 494/CT-TTg trong các dự án sử dụng vốn nhà nước thực hiện trên địa bàn Tỉnh về cơ bản đã nâng cao được tỷ lệ sử dụng máy móc, vật tư, thiết bị sản xuất trong nước để thi công các gói thầu. Qua đó góp phần giảm chi phí xây dựng, thúc đẩy sản xuất.

Sở KH&ĐT tỉnh Bắc Ninh kiến nghị, cần tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra và giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 494/CT-TTg
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Sở KH&ĐT Bắc Ninh cho biết, một số đơn vị chủ đầu tư còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, nên quá trình thực hiện Chỉ thị số 494/CT-TTg chưa được như kỳ vọng.

Cụ thể, chất lượng, kiểu dáng, mẫu mã hàng hóa sản xuất trong nước còn hạn chế, đặc biệt là các sản phẩm kỹ thuật cao. Một số chủng loại hàng hóa sản xuất trong nước có chất lượng cao nhưng còn chiếm tỷ lệ nhỏ; nhiều sản phầm được gia công lắp ráp nhưng vật tư, phụ tùng lại phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Đáng lưu ý, một số chủng loại vật tư, hàng hóa trong nước không sản xuất được phải nhập từ nước ngoài nên giá thành cao, không chủ động được nguồn hàng dẫn tới việc triển khai thi công bị chậm. Vấn đề này tồn tại trong một số đơn vị đặc thù như ngành phát thanh truyền hình như máy cẩu quay, máy phát hình, hệ thống sản xuất và phát sóng; công nghệ thông tin; giao thông vận tải như cáp dự ứng lực, gối cầu...; máy móc, thiết bị y tế…

Mặt khác, tiêu chuẩn, quy chuẩn thí nghiệm khi thi công và nghiệm thu một số chủng loại vật tư chưa có nên khi tổ chức triển khai thi công gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là công tác kiểm định chất lượng.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, Sở KH&ĐT tỉnh Bắc Ninh kiến nghị, cần tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra và giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 494/CT-TTg; đồng thời có quy định, yêu cầu cụ thể trong việc tổ chức thực hiện cũng như chế tài hợp lý. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng thiết kế, thẩm tra, thẩm định bảo đảm sử dụng tối đa vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước.

Chuyên đề