Trung tâm bán đấu giá tài sản chờ cơ chế tự chủ

(BĐT) - Luật Đấu giá tài sản (ĐGTS) vừa được Quốc hội khóa XIV thông qua được coi là dấu mốc quan trọng trong việc hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý điều chỉnh hoạt động ĐGTS. 
Theo Luật Đấu giá tài sản, doanh nghiệp đấu giá tài sản được thành lập dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh. Ảnh: Nhã Chi
Theo Luật Đấu giá tài sản, doanh nghiệp đấu giá tài sản được thành lập dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh. Ảnh: Nhã Chi

Để nhanh chóng đưa Luật ĐGTS vào thực tiễn cuộc sống, bảo đảm thi hành đồng bộ, thống nhất, kịp thời và hiệu quả, nhiều bộ, ngành đã có kiến nghị tới Bộ Tư pháp về một số định hướng chính trong triển khai thực hiện Luật này.

Khắc phục hạn chế trong đấu giá tài sản

Báo cáo chuyên đề về một số nội dung chính sách lớn và Kế hoạch triển khai Luật ĐGTS, Bộ Tư pháp cho biết, so với Nghị định số 17/2010/NĐ-CP về bán ĐGTS, Luật ĐGTS đã khắc phục những hạn chế về trình tự, thủ tục ĐGTS. Theo đó, Luật tách bạch quy trình bán đấu giá với quy trình trước và sau khi tổ chức bán đấu giá như việc phê duyệt tài sản đưa ra đấu giá, việc thẩm định giá, xác định giá khởi điểm, giám định tài sản đấu giá được thực hiện trước khi ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá; việc chuyển quyền sở hữu tài sản được thực hiện sau khi tổ chức đấu giá tài sản thực hiện việc đấu giá thành công.

Ngoài ra, một trong những điểm mới cơ bản của Luật ĐGTS là nâng cao tiêu chuẩn “đấu giá viên”. Theo đó, để nâng cao chất lượng đội ngũ đấu giá viên và tính chuyên nghiệp trong hoạt động đấu giá đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Luật ĐGTS quy định theo hướng người muốn trở thành đấu giá viên phải tham gia khóa đào tạo nghề đấu giá với thời gian là 6 tháng (người có ít nhất 3 năm công tác trong lĩnh vực được đào tạo mới được tham gia khóa đào tạo nghề); tập sự hành nghề đấu giá trong thời gian 6 tháng và đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề đấu giá.

Luật ĐGTS cũng đã thu hẹp đối tượng được miễn đào tạo về nghề nghiệp và có kỹ năng hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp và lĩnh vực có liên quan như luật sư, công chứng viên, quản tài viên, thừa phát lại... mới được miễn đào tạo. 

Thực hiện cơ chế tự chủ

Theo quy định của Luật ĐGTS, tổ chức ĐGTS gồm Trung tâm Dịch vụ bán ĐGTS, doanh nghiệp (DN) ĐGTS. Để nâng cao tính chuyên nghiệp, chuyên môn hoá trong hoạt động của DN ĐGTS, nâng cao chất lượng dịch vụ ĐGTS trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, Luật ĐGTS quy định, DN ĐGTS được thành lập dưới hình thức DN tư nhân và công ty hợp danh, nhằm bảo đảm đầy đủ trách nhiệm của DN đấu giá và đấu giá viên đối với Nhà nước và khách hàng.

Ngoài ra, Luật ĐGTS giao UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương xem xét, phê duyệt Đề án thực hiện cơ chế tự chủ đối với Trung tâm Dịch vụ bán ĐGTS, Đề án chuyển đổi Trung tâm thành DN trong trường hợp không cần thiết duy trì Trung tâm Dịch vụ bán ĐGTS, Đề án giải thể Trung tâm Dịch vụ bán ĐGTS trong trường hợp không có khả năng chuyển đổi thành DN.

Kiến nghị với Bộ Tư pháp về nội dung này, UBND tỉnh Kiên Giang đề nghị Bộ có văn bản hướng dẫn thực hiện việc chuyển đổi mô hình DN hoặc giải thể Trung tâm Dịch vụ bán ĐGTS (trường hợp không có khả năng chuyển đổi thành DN) và có các biện pháp hỗ trợ khi Trung tâm Dịch vụ bán ĐGTS chuyển đổi hoặc giải thể.

Trước kiến nghị này, Bộ Tư pháp cho rằng, theo quy định của Luật ĐGTS thì các địa phương căn cứ vào tình hình thực tiễn về tổ chức và hoạt động ĐGTS tại địa phương mình để xem xét, xây dựng Đề án thực hiện cơ chế tự chủ đối với Trung tâm Dịch vụ bán ĐGTS, Đề án chuyển đổi Trung tâm Dịch vụ bán ĐGTS thành DN hoặc Đề án giải thể Trung tâm Dịch vụ bán ĐGTS trên cơ sở đảm bảo tính ổn định, liên tục của hoạt động đấu giá, tránh gây ách tắc trong việc xử lý tài sản, nhất là các tài sản để đảm bảo thi hành các bản án, quyết định của Tòa án tại địa phương.

Liên quan đến một nội dung khác, UBND tỉnh Quảng Bình và UBND tỉnh Cao Bằng cho rằng, Luật Phí và lệ phí năm 2015 không quy định phí ĐGTS được thực hiện theo hình thức nào (phí, lệ phí hay giá dịch vụ). Do đó, để giúp các địa phương có cơ sở thực hiện việc thu phí ĐGTS kể từ ngày Luật Phí và lệ phí năm 2015 có hiệu lực thi hành (1/1/2017), 2 địa phương này đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Tài chính sớm hướng dẫn nội dung này.

Theo Bộ Tư pháp, Luật ĐGTS được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 2 đã quy định thay thế phí dịch vụ ĐGTS bằng thù lao dịch vụ đấu giá. Để tránh khoảng trống pháp lý về phí dịch vụ ĐGTS sau khi Luật Phí và lệ phí có hiệu lực (ngày 1/1/2017), đảm bảo việc xử lý tài sản kịp thời, Luật ĐGTS đã có quy định tại Khoản 4 Điều 80 cho phép các tổ chức ĐGTS được thu phí dịch vụ ĐGTS cho đến ngày Luật ĐGTS có hiệu lực thi hành (1/7/2017). Quy định này của Luật ĐGTS có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2017. Triển khai quy định này của Luật ĐGTS, Bộ Tư pháp sẽ có văn bản hướng dẫn thống nhất việc thu phí dịch vụ ĐGTS địa phương, góp phần thực hiện có hiệu quả quy định của Luật ĐGTS và Luật Phí và lệ phí.

Chuyên đề