Thị trường sẽ quyết “số phận” của các trung tâm đấu giá

(BĐT) - Khi Luật Đấu giá tài sản chính thức có hiệu lực (1/7/2017), UBND cấp tỉnh sẽ phải xem xét, phê duyệt đề án thực hiện cơ chế tự chủ đối với trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản (DVBĐGTS), đề án chuyển đổi trung tâm thành doanh nghiệp trong trường hợp không cần thiết duy trì, đề án giải thể trong trường hợp không có khả năng chuyển đổi thành doanh nghiệp sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Tư pháp. 
Luật Đấu giá tài sản có hiệu lực buộc các trung tâm đấu giá tài sản phải tìm hướng đi phù hợp với thị trường. Ảnh: Lê Tiên
Luật Đấu giá tài sản có hiệu lực buộc các trung tâm đấu giá tài sản phải tìm hướng đi phù hợp với thị trường. Ảnh: Lê Tiên

Lộ trình đã rõ, tuy nhiên, thực trạng hoạt động cho thấy, nhiều trung tâm DVBĐGTS vẫn chưa có sự sẵn sàng tiến hành chuyển đổi ngay sang mô hình doanh nghiệp.

Chưa địa phương nào chuyển đổi

Câu chuyện về chuyển đổi trung tâm DVBĐGTS sang mô hình doanh nghiệp đã được đặt ra tại Nghị định số 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản. Tuy nhiên, Nghị định này chưa quy định cụ thể tiêu chí, lộ trình thực hiện việc chuyển đổi đó. Do đó, hiện vẫn chưa có địa phương nào thực hiện việc chuyển đổi các Trung tâm sang mô hình doanh nghiệp ĐGTS.

Theo thống kê của Bộ Tư pháp, trong 428 tổ chức BĐGTS chuyên nghiệp trên cả nước hiện nay thì có 62 trung tâm DVBĐGTS (1 trung tâm vừa giải thể). Đáng chú ý, chỉ có 9/62 Trung tâm là tự chủ 100% về tài chính.

Ông Vũ Văn Khôi, Phó Giám đốc trung tâm DVBĐGTS TP. Hải Phòng đánh giá, các Trung tâm đều chưa sẵn sàng tiến hành chuyển đổi ngay sang mô hình doanh nghiệp do hoạt động khó khăn. Tại một số tỉnh, nhu cầu BĐGTS trên địa bàn rất ít, có địa bàn chưa có DN và chi nhánh DN BĐGTS hoặc đã có nhưng hoạt động cầm chừng, thậm chí không hoạt động. “Có những trung tâm hoạt động nhưng Nhà nước vẫn phải bao cấp 100% hoặc cấp phần lớn kinh phí để trung tâm có thể thực hiện nhiệm vụ BĐGTS là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trên địa bàn và một số tài sản khác theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” – ông Khôi chỉ rõ.

Bên cạnh đó, nhiều trung tâm còn lại mặc dù hoạt động BĐGTS tại những địa phương có phát triển hơn nhưng nhìn chung nhu cầu BĐG chưa đều đặn, doanh thu của hoạt động BĐGTS không đáp ứng được nhu cầu chi cho các hoạt động của trung tâm. Hơn nữa, các DN BĐGTS ở các địa phương này lại chủ yếu là các DN hoạt động đa ngành nghề, số lượng DN đăng ký kinh doanh 1 lĩnh vực BĐGTS hoặc lĩnh vực hoạt động chính là BĐGTS là rất ít.

Do vậy, ông Vũ Văn Khôi nhận định, vai trò của các trung tâm vẫn là rất lớn đối với các địa phương trong việc BĐGTS và chưa thể thay thế được trong bối cảnh hiện nay. 

Cạnh tranh khốc liệt

Ông Võ Đình Toàn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý thuộc Bộ Tư pháp khẳng định, việc xã hội hóa hoạt động ĐGTS là đúng đắn. Tuy nhiên, xã hội hóa hoạt động này không có nghĩa là xóa bỏ các tổ chức của Nhà nước cung ứng dịch vụ đấu giá, mà là chuyển đổi từ hoạt động có tính độc quyền của Nhà nước trước đây thành hoạt động mà các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh cùng tham gia trong một sân chơi, một luật chơi bình đằng. Việc xã hội hóa hoạt động BĐGTS nhằm đảm bảo dịch vụ đấu giá công khai, minh bạch, bảo đảm được quyền lợi hợp pháp của các bên có liên quan.

Theo một số chuyên gia về đấu giá, hạn chế duy nhất khiến trung tâm DVBĐGTS có năng lực cạnh tranh kém hơn so với các DN BĐGTS là do yếu tố “con người”. Tại một số trung tâm DVBĐGTS ở một số địa phương, nhân sự hoạt động trong trung tâm gần như là nơi để “gửi biên chế” của các cơ quan, tổ chức tại địa phương, điều này làm cho bộ máy trung tâm cồng kềnh, dẫn tới hoạt động kém hiệu quả. Bên cạnh đó, các đấu giá viên, lãnh đạo có kiến thức nghiệp vụ về BĐG còn hạn chế, không được đào tạo bài bản, không bắt kịp hoạt động kinh tế thị trường. Ngoài ra, có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh giữa trung tâm DVBĐGTS và các DN BĐG về phí đấu giá. DN BĐG có những khoản chi trả hoa hồng trở lại cho người có tài sản đấu giá và người trúng đấu giá trong khi Trung tâm DVBĐGTS lại không có được sự “linh hoạt” trong vấn đề này.

“Suy cho cùng, sức cạnh tranh của các trung tâm DVBĐGTS chưa hiệu quả so với các DN BĐGTS là ở chất lượng đội ngũ thực hiện đấu giá. Nếu không cải thiện được chất lượng của đội ngũ cán bộ thực hiện công tác đấu giá tại các trung tâm thì mục tiêu cạnh tranh lành mạnh sẽ làm các trung tâm “tự diệt vong”. Việc này đặt vấn đề trách nhiệm của ngành tư pháp trong việc phát triển công tác đào tạo, nâng cao trình độ của nhân lực trong ngành đấu giá” - ông Toàn phân tích.

Theo ông Đoàn Văn Hường, Phó Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp, cần phải xác định rõ được mục tiêu xã hội hóa, không nên đặt tiêu chí “triệt tiêu” trung tâm DVBĐGTS lên hàng đầu. Ông Hường phân tích, sau khi thực hiện Nghị định số 17, đến thời điểm này tất cả tài sản đã được pháp luật thể chế hóa giao cho người có thẩm quyền xử lý tài sản được ký hợp đồng với tất cả các DN BĐGTS để bán tài sản này. Do vậy, không có quy định nào ngăn cản, hạn chế DN BĐGTS không được tham gia bán tất cả các loại tài sản của Nhà nước. “Vấn đề chỉ còn là trung tâm DVBĐGTS hay DN BĐGTS, ai tổ chức hiệu quả hơn, bán giá cao hơn, đúng trình tự thủ tục pháp luật hơn và người có tài sản có quyền lựa chọn. Khi đó, người có tài sản hoặc được ủy quyền xử lý tài sản căn cứ vào thực trạng, uy tín, năng lực của tổ chức bán đấu giá tài sản để lựa chọn. Đến lúc này, vấn đề xóa bỏ hay giải thể trung tâm không phải là vấn đề bức thiết. UBND các tỉnh cần căn cứ vào lộ trình, yêu cầu nhiệm vụ chính trị và nhu cầu bán ĐGTS từng địa phương để xác định việc duy trì những trung tâm này dưới hình thức như thế nào” – ông Hường nhấn mạnh quan điểm.

Chuyên đề