Tạo cơ chế buộc các hoạt động đấu giá công khai, minh bạch

(BĐT) - Theo Quyết định về Chương trình hoạt động của Chính phủ trong năm 2017, 2 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đấu giá tài sản (ĐGTS) sẽ được xây dựng và trình Chính phủ ngay trong tháng 4/2017. 
Tạo cơ chế buộc các hoạt động đấu giá công khai, minh bạch

Đỗ Hoàng Yến, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp thuộc Bộ Tư pháp đã trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu về những định hướng xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật ĐGTS khi Luật này chính thức có hiệu lực vào ngày 1/7/2017.

Trong hoạt động ĐGTS, đâu là những kẽ hở làm phát sinh tiêu cực, thưa bà?

Theo quy định của Luật ĐGTS, người có tài sản gồm 2 đối tượng, một là người đại diện cho Nhà nước và là cơ quan được Nhà nước giao quản lý tài sản đó, được Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước giao cho quyền xử lý tài sản và có thể xử lý tài sản bằng nhiều phương pháp. Theo quy định hiện hành thì đối tượng này có quyền quyết định việc giao xử lý, thanh lý tài sản không qua đấu giá hoặc quyết định việc giao qua đấu giá. Đối tượng thứ hai là các chủ thể của pháp luật dân sự như cá nhân, công ty, DN muốn thanh lý, xử lý tài sản của mình.

Riêng đối với đối tượng là người đại diện cho Nhà nước hiện được giao rất nhiều “quyền năng”. Họ được quyền lựa chọn tổ chức thực hiện việc bán ĐGTS là các trung tâm hoặc tổ chức bán ĐGTS chuyên nghiệp. Họ có quyền quyết định giá khởi điểm trên cơ sở của Hội đồng định giá do cơ quan tài chính chủ trì, thuê công ty thẩm định giá độc lập để thẩm định giá tài sản đó.

Chính vì quyền năng lớn như vậy nên tiêu cực cũng dễ phát sinh từ đây. Nếu không quản lý tốt thì sẽ có hiện tượng “sân sau” như: lẽ ra phải chọn những công ty, tổ chức bán ĐGTS uy tín, chuyên nghiệp để bán ĐGTS với giá cao nhất thì họ lại lựa chọn DN “sân sau”. Vấn nạn thông đồng dìm giá trong đấu giá cũng xuất phát từ đây.

Ngoài ra còn có các hành vi thông đồng, dìm giá của người tham gia ĐGTS; hiện tượng “băng nhóm, đầu gấu, xã hội đen” khống chế, đe dọa người tham gia ĐGTS…

Tạo cơ chế buộc các hoạt động đấu giá công khai, minh bạch ảnh 1
Bà Đỗ Hoàng Yến

Luật ĐGTS chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2017. Để Luật sớm đi vào cuộc sống, Bộ Tư pháp đã có kế hoạch xây dựng các văn bản hướng dẫn như thế nào?

Luật ĐGTS và các nghị định hướng dẫn thi hành Luật sắp tới hướng tới mục tiêu ngăn chặn những tiêu cực nêu trên. Theo Quyết định về Chương trình hoạt động của Chính phủ trong năm 2017 sẽ có 2 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật được xây dựng.

Cụ thể, sẽ có Nghị định hướng dẫn chung các điều của Luật. Một trong những quy định quan trọng của Nghị định là Chính phủ quy định chi tiết hình thức đấu giá trực tuyến. Hình thức đấu giá này nếu phát triển được sẽ tăng cường quản lý, công khai, minh bạch hoạt động đấu giá. Hiện cơ quan soạn thảo đang xây dựng Nghị định theo hướng DN, trung tâm, tổ chức bán ĐGTS nào muốn làm thì phải xây dựng Đề án đấu giá trực tuyến gửi Bộ Tư pháp và Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để phê duyệt, thẩm định cơ sở hạ tầng của DN, trung tâm xem các DN, trung tâm đó có làm được không?

Một nghị định nữa cũng sẽ được xây dựng là Nghị định hướng dẫn việc xác định giá khởi điểm và việc thi hành bán đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. Hiện, đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có những đặc thù riêng. Ngân hàng Nhà nước sẽ là đầu mối chủ trì cùng với một số bộ, ngành xây dựng nghị định này.

Sau khi có Nghị định, cơ quan soạn thảo sẽ xây dựng 2 nhóm thông tư. Trong đó, một nhóm thông tư của Bộ Tư pháp sẽ hướng dẫn một số quy định về tập sự hành nghề đấu giá hướng tới xây dựng đội ngũ đấu giá viên chuyên nghiệp, do đó tập sự hành nghề đấu giá sẽ được quản lý chặt chẽ hơn.

Cùng với đó, Bộ Tài chính sẽ chủ trì, ban hành 1 - 2 thông tư liên quan đến chế độ tài chính trong ĐGTS, trong đó quan trọng nhất là quy định khung thù lao bán ĐGTS nhà nước. Khung thù lao này không để thả nổi như bán ĐGTS cá nhân, mà sẽ theo định hướng khuyến khích các tổ chức bán ĐGTS bán vượt so với giá khởi điểm, so với trị giá tài sản. Nói nôm na là xây dựng “cơ chế thưởng” bằng cách thưởng hoặc trích tỷ lệ % số tiền bán vượt. 

Theo quy định của Luật, Bộ Tư pháp phải xây dựng và quản lý Trang thông tin điện tử chuyên ngành về ĐGTS. Trang thông tin điện tử này sẽ có vai trò như thế nào trong quản lý hoạt động bán ĐGTS?

Bộ Tư pháp đang nghiên cứu, định hướng xây dựng Trang thông tin điện tử về ĐGTS theo hướng công khai một số nội dung như: công khai Danh mục tổ chức bán ĐGTS uy tín để tổ chức có tài sản lựa chọn; công khai những tổ chức làm tốt, bán được nhiều, vượt giá khởi điểm; công khai danh sách đen.

Đối với Danh mục tổ chức bán ĐGTS uy tín sẽ được lập từ tổng hợp của các địa phương, các bộ, ngành giới thiệu, sau đó sẽ tổ chức thẩm định để đưa vào danh sách này. Đối với danh sách đen, tổ chức bán ĐGTS nếu có vi phạm sẽ được công bố công khai. Dự kiến, nếu vi phạm lần 2 thì những tổ chức này không được lựa chọn vào danh sách được bán tài sản của Nhà nước trong một thời gian nhất định.

Việc công khai, minh bạch những thông tin này góp phần hạn chế tiêu cực trong hoạt động đấu giá. Và tiêu chí để công khai, minh bạch là phải đảm bảo cơ chế buộc các hoạt động trong lĩnh vực bán ĐGTS phải công khai, minh bạch.

Chuyên đề