Những nhà đầu tư bí ẩn muốn mua cổ phần Vinaconex

Danh sách đăng ký mua cổ phần VCG có cả nhà đầu tư trẻ tuổi và doanh nghiệp "sơ sinh" vừa thành lập một vài ngày hoặc đang thua lỗ. 
Trụ sở Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam tại Hà Nội. Ảnh: VCG
Trụ sở Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam tại Hà Nội. Ảnh: VCG

Hai trong số ba cổ đông lớn của Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, Mã CK: VCG) là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) vừa công bố kế hoạch bán toàn bộ lô cổ phần VCG. Họ kỳ vọng bán với giá tối thiểu 21.300 đồng mỗi cổ phiếu, cao hơn thị giá VCG khoảng 3.000 đồng. Do đó, để mua toàn bộ sổ cổ phần Vinaconex được SCIC, Viettel chào bán, cần bỏ ra ít nhất 7.430 tỷ đồng.

Việc một loạt nhà đầu tư quan tâm và đăng ký mua hàng trăm triệu cổ phần VCG vào ngày 22/11 là diễn biến khác hẳn với hơn một năm trước. Khi đó, SCIC từng chào bán 96,3 triệu cổ phần VCG nhưng ế ẩm và chỉ có 3 nhà đầu tư đăng ký mua 5,3 triệu cổ phần.

Tuy nhiên, điều khiến thị trường quan tâm là danh sách đăng ký "ôm" cổ phần VCG lần này có khá nhiều tên tuổi mới, gồm cả doanh nghiệp vừa thành lập, đơn vị đang thua lỗ.

Cá nhân duy nhất đăng ký mua cổ phiếu VCG là ông Nguyễn Văn Đông sinh năm 1980, trú tại Thừa Thiên Huế. Hiện ông Đông không nắm giữ cổ phiếu VCG nhưng trong đợt bán đấu giá, ông đăng ký mua toàn bộ 254,9 triệu cổ phần của SCIC nắm giữ. Tại bản đăng ký mua cổ phần, ông Đông sẽ mua bằng vốn tự có và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Theo tìm hiểu của PV, ông Nguyễn Văn Đông hiện sống tại căn nhà của người thân phường Hương Long, TP Huế - nơi đang là một cửa hàng tạp hóa. Theo Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện ông là người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Một thành viên Thương mại và dịch vụ Đông Nguyễn có trụ sở tại huyện Phú Vang với vốn điều lệ cập nhật gần đây nhất là 500 tỷ đồng. Công ty này có hoạt động kinh doanh chính là dịch vụ ăn uống.

Năm doanh nghiệp khác cũng đăng ký đều hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, Công ty TNHH Đầu tư Star Invest có trụ sở tại Hoàn Kiếm, Hà Nội mới thành lập ngày 9/11/2018, tức là chỉ 2 ngày trước khi đơn vị này gửi bản đăng ký mua cổ phần và chưa đầy nửa tháng trước thời điểm phiên đấu giá được diễn ra. Bên cạnh đó, công ty này đăng ký mua toàn bộ lô cổ phần VCG mà SCIC muốn bán trị giá tối thiểu hơn 5.430 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ của công ty là 200 tỷ đồng. Đơn vị này cũng cho biết thu xếp vốn tự có và các nguồn vốn tài chính khác để tham gia đấu giá.

Theo bản đăng ký mua cổ phần được Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội công bố, doanh nghiệp này có hoạt động chính là kinh doanh bất động sản, song trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp thì lĩnh vực chính lại là tư vấn đầu tư, giáo dục.

Bên cạnh nhà đầu tư này, Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ mới thành lập cuối năm 2017, có trụ sở tại TP HCM và vốn điều lệ chỉ 20 tỷ đồng nhưng cũng đăng ký mua toàn bộ 2.000 tỷ đồng lô cổ phần VCG mà Viettel muốn bán. Đại diện doanh nghiệp là một người sinh năm 1970.

Một loạt doanh nghiệp khác mới thành lập 1-2 năm, vốn điều lệ vài trăm tỷ và đang có kết quả kinh doanh không mấy khả quan cũng đăng ký mua trọn lô cổ phần hàng nghìn tỷ nói trên.

Đó là Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng Thăng Long JTC có trụ sở tại quận Thanh Xuân với vốn điều lệ 250 tỷ đồng thuộc sở hữu của 3 cổ đông cá nhân. Kết thúc năm 2017, công ty này có tài sản ngắn hạn hơn 55 tỷ, tài sản dài hạn 202 tỷ, tổng cộng nguồn vốn 257 tỷ. Doanh thu thuần năm ngoái của công ty chưa đầy 2 tỷ và lỗ 2,8 tỷ.

Công ty TNHH An Quý Hưng, một doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực có đăng ký kinh doanh tại Chương Mỹ, Hà Nội, vốn điều lệ 360 tỷ đồng có hai cổ đông cá nhân góp vốn cũng đăng ký mua toàn bộ với giá trị gấp 15 lần vốn điều lệ. Cũng theo công bố, kết thúc năm 2017, An Quý Hưng có tài sản ngắn hạn gần 550 tỷ đồng, dài hạn 450 tỷ đồng và tổng cộng nguồn vốn gần 1.000 tỷ đồng. Năm 2017, công ty đạt 956 tỷ đồng doanh thu thuần và 62,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Trong số tổ chức đăng ký mua cổ phần VCG thì Tập đoàn phát triển nhà và đô thị Thăng Long Việt Nam là đơn vị "có tuổi" nhất khi được thành lập từ năm 2010. Doanh nghiệp này có 6 cổ đông cá nhân, đặt trụ sở tại quận Hà Đông, Hà Nội với ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản. Theo thông tin đăng ký kinh doanh, đơn vị này thực hiện tăng vốn điều lệ lên 380 tỷ đồng vào năm 2015. 

Người đại diện theo pháp luật của Thăng Long Việt Nam là ông Trịnh Cần Chính - Tổng giám đốc công ty. Ông Trịnh Cần Chính là con trai của ông Trịnh Văn Bô - nhà tư sản tại Hà Nội từng hiến 5.000 lượng vàng cho cách mạng. Chia sẻ với PV, ông Chính cho biết việc đăng ký mua cổ phần VCG là do Hội đồng quản trị công ty quyết định. Tuy nhiên, theo ông, doanh nghiệp có chiến lược mua lại các dự án, hoặc doanh nghiệp nếu nhìn thấy cơ hội phát triển kể cả khi giá cao hơn thị trường. Trước khi đăng ký mua cổ phần VCG, đơn vị này đã mua lại và đang triển khai 2 dự án bất động sản từng gặp khó khăn tại Hà Nội.

Trong một diễn biến khác, trước phiên đấu giá, Vinaconex đưa ra thông báo khóa room ngoại về mức 0%. Trong khi vào đợt đấu giá cổ phần VCG cách đây một năm của SCIC, vấn đề giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không được nhắc đến và vẫn giữ ở mức 49%.

Tại công văn gửi Vinaconex hôm 8/11, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xác nhận việc Vinaconex xác định tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa ở mức 0% vốn điều lệ là phù hợp với quy định hiện tại. Cơ quan này cũng yêu cầu, ngay sau khi nhận được thông báo nói trên của Vinaconex, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) phải cập nhật thông tin này lên hệ thống để nhà đầu tư nước ngoài thực hiện giao dịch chứng khoán theo đúng quy định.

Chuyên đề