Nâng mức xử phạt trong đấu giá

(BĐT) - Áp dụng pháp luật xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản (BĐGTS) là một hình thức thực hiện pháp luật, có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thực hiện chức năng tổ chức và quản lý của nhà nước đối với lĩnh vực BĐGTS. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, chế tài cũng như mức xử phạt hiện đang chưa đủ sức “răn đe”, khiến nhiều tổ chức BĐGTS vì lợi nhuận mà sẵn sàng vi phạm. 

Cạnh tranh thiếu lành mạnh

Khi tiến hành sơ kết 4 năm thi hành Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 4/3/2010 của Chính phủ về BĐGTS, Bộ Tư pháp chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế trong hoạt động BĐGTS, trong đó có tình trạng các đấu giá viên, tổ chức BĐGTS tuân thủ không nghiêm túc các quy định của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP.

Trên thực tế, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động BĐGTS đang khá phổ biến, như tổ chức BĐGTS không tuân thủ nghiêm túc về trình tự, thủ tục bán đấu giá, trích lại phần trăm phí cho cá nhân/tổ chức/đơn vị có tài sản bán đấu giá để thu hút sử dụng dịch vụ của tổ chức mình; đấu giá viên có biểu hiện tiêu cực, vi phạm pháp luật trong hoạt động nghề nghiệp khiến dư luận bức xúc…

Ông Nguyễn Đại Dân, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ BĐGTS tỉnh Hải Dương chia sẻ, so với các trung tâm DVBĐGTS trực thuộc Sở Tư pháp thì doanh nghiệp bán đấu giá tài sản (doanh nghiệp tư nhân) có những cơ chế tài chính rất linh hoạt. Có những doanh nghiệp khi cạnh tranh đưa ra giá chào phí dịch vụ ĐGTS (phí trích lại cho người có tài sản đấu giá) “rất cạnh tranh”, thậm chí phá giá thị trường dẫn đến tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh trong hoạt động của các tổ chức BĐGTS. 

Sẵn sàng vi phạm hành chính

Khoản 2 Điều 2 Luật Xử lý VPHC quy định: “Xử phạt VPHC là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi VPHC theo quy định của pháp luật về xử phạt VPHC”. Theo đó, xử phạt VPHC trong lĩnh vực BĐGTS là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi VPHC theo quy định của pháp luật về xử phạt VPHC.

Theo quy định tại Mục 5 Chương II Nghị định số 110/2013/NĐ-CP quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, các hình thức xử phạt chính trong lĩnh vực BĐGTS bao gồm: cảnh cáo; phạt tiền; tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề đấu giá có thời hạn từ 6 tháng đến 9 tháng và thời hạn 12 tháng. Trong lĩnh vực BĐGTS không áp dụng hình thức xử phạt bổ sung.

Cùng với đó, các biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực BĐGTS bao gồm: hủy bỏ giấy tờ giả; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi VPHC; hủy bỏ kết quả BĐGTS.

Tuy nhiên, theo ông Đoàn Văn Hường, Phó Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp, mức xử phạt VPHC đối với đấu giá viên và tổ chức BĐGTS được quy định trong Nghị định số 110/2013/NĐ-CP là tương đối thấp. Mức xử phạt này được xây dựng dựa trên mặt bằng chung điều kiện kinh tế, mức xử phạt VPHC khác, chứ không tính toán theo địa bàn tỉnh, thành phố và giá trị của tài sản được đưa ra đấu giá.

Có thể nói, việc xử phạt VPHC với mức chỉ từ vài triệu đến vài chục triệu đồng so với nguồn lợi thu được trong những cuộc bán đấu giá tài sản có giá trị lớn thì “không bõ bèn gì”. “Điều này dẫn đến câu chuyện đấu giá viên, các tổ chức BĐGTS sẵn sàng VPHC để đạt được lợi ích khác”, ông Hường bày tỏ quan điểm.

Được biết, hiện Thanh tra Bộ Tư pháp được giao chủ trì cùng với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi Nghị định số 110/2013/NĐ-CP dựa trên những tồn tại, hạn chế trong công tác BĐGTS khi thực hiện theo Nghị định số 17/2010/NĐ-CP và Nghị định số 110/2013/NĐ-CP.

Một số chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, việc nghiên cứu, đề xuất sửa đổi theo hướng quy định rõ, đúng mức những hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả với mức xử phạt có tính khả thi cao sẽ góp phần phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm minh mọi hành vi VPHC trong đấu giá tài sản khi Luật Đấu giá tài sản có hiệu lực vào ngày 1/7/2017.

Chuyên đề