Lo chuyện ngăn chặn tiêu cực trong đấu giá

(BĐT) - Cho ý kiến tại Hội trường về Dự thảo Luật Đấu giá tài sản, nhiều đại biểu Quốc hội đặt vấn đề về việc rất có thể sẽ hình thành sự móc nối, tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” trong hoạt động đấu giá tài sản, nếu Luật không quy định chặt chẽ. 
Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị thiết kế những quy định chặt chẽ để loại bỏ tình trạng “quân xanh quân đỏ” trong đấu giá tài sản. Ảnh: Việt Dũng
Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị thiết kế những quy định chặt chẽ để loại bỏ tình trạng “quân xanh quân đỏ” trong đấu giá tài sản. Ảnh: Việt Dũng

Để hoạt động này đảm bảo tính minh bạch, một số đại biểu cho rằng, cần đấu thầu lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản.

Lựa chọn nhà thầu đấu giá tài sản

Tiếp thu, chỉnh lý, giải trình Dự án Luật Đấu giá tài sản được trình bày trước Quốc hội ngày 24/10, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, liên quan đến việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản (Điều 56 của Dự thảo Luật) có ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung quy định hình thức thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến và bổ sung quy định tại Khoản 1 Điều 56 về việc “thông báo công khai trên báo in hoặc báo hình của Trung ương hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có tài sản đấu giá và trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản hoặc tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu để lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản”.

Tham gia ý kiến hoàn thiện Dự thảo Luật, đại biểu Huỳnh Thanh Chung (Đoàn Bình Phước) nêu quan điểm, đối với tài sản là tài sản của Nhà nước thì cần phải quy định rõ các tổ chức bán đấu giá tài sản phải trình phương án, nhiệm vụ, chỉ tiêu tối thiểu có thể đạt được khi tiến hành bán đấu giá. Bởi vì trong quá trình xác định giá, thực tế cho thấy, việc xác định giá đúng theo cơ chế thị trường, theo nhu cầu của người có tài sản không sử dụng và nhu cầu của người mua tài sản là điều quan trọng. Bên cạnh đó, một số đơn vị tư vấn trong quá trình xác định giá luôn đẩy giá lên cao để đảm bảo an toàn trách nhiệm, đồng nghĩa với việc họ sẽ hưởng phí xác định giá cao hơn, nhưng trong thực tế đưa ra đấu giá lại không thành, gây khó khăn cho người có tài sản bán đấu giá và cả người mua. “Do đó, các đơn vị tổ chức đấu giá, đặc biệt là đấu giá tài sản nhà nước, cần phải có phương án, nhiệm vụ cụ thể và phải coi như đây là một hình thức đấu thầu để được nhận làm đấu giá tài sản nhà nước”, đại biểu Huỳnh Thanh Chung đề nghị.

Giải trình thêm về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, khi đã quyết định bán đấu giá tài sản rồi thì nhiều doanh nghiệp đều muốn tham gia. Để đảm bảo khách quan, minh bạch, cần phải sử dụng hình thức đấu thầu để lựa chọn doanh nghiệp thực hiện bán đấu giá tài sản. Trong trường hợp này, doanh nghiệp cần có những trình bày, giới thiệu chương trình hành động và tất cả những gì có thể làm để đảm bảo quyền lợi cho người có tài sản. Do đó, có thủ tục đấu thầu trong lựa chọn doanh nghiệp thực hiện đấu giá tài sản. 

Lo về tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”

Cũng tại phiên thảo luận, về việc rất có thể sẽ hình thành sự móc nối, “quân xanh, quân đỏ”, tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” trong hoạt động đấu giá tài sản, nhiều đại biểu cho rằng, nếu Luật không quy định chặt chẽ thì sẽ rất khó kiểm soát được những tiêu cực này.

Quan điểm của đại biểu Phạm Văn Tuân (Đoàn Thái Bình) cho rằng, tại Điểm b Khoản 1 Điều 7 của Dự thảo Luật có quy định: Giá khởi điểm do người có tài sản đấu giá tự xác định hoặc ủy quyền cho tổ chức đấu giá tài sản hoặc cá nhân, tổ chức khác xác định. Tuy nhiên, theo đại biểu này, quy định như vậy là chưa phù hợp vì không đảm bảo nguyên tắc khách quan, minh bạch. “Tổ chức bán đấu giá tài sản không thể vừa định giá tài sản, vừa bán đấu giá tài sản, như vậy không khác gì “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Điều này dẫn đến tình trạng tùy tiện, không minh bạch trong khâu định giá và bán đấu giá tài sản nhằm trục lợi, làm ảnh hưởng và gây thiệt hại cho người có tài sản ủy quyền bán đấu giá” - ông Tuân nhận định và đề nghị bỏ quy định ủy quyền cho tổ chức bán đấu giá tài sản xác định giá khởi điểm.

Đồng quan điểm, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) nêu ý kiến, không nên thành lập Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Tư pháp. Bởi lẽ, cơ quan nhà nước là cơ quan quản lý việc bán đấu giá tài sản, nếu thành lập thêm một trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản thì có nghĩa là tự mình quản lý mình, chẳng khác nào “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Từ bất cập này, ông Cường đề nghị bỏ Điều 22 Dự thảo Luật (Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp, có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng. Giám đốc Trung tâm là đấu giá viên).

Đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Đoàn Tây Ninh) thì cho rằng, Điều 49 quy định việc đấu giá trong trường hợp chỉ có một người đăng ký, tham gia đấu giá, trả giá, chấp nhận giá là không phù hợp. Theo đại biểu này, về mặt pháp lý, Khoản 2 Điều 4 Dự thảo Luật quy định: “Đấu giá tài sản là hình thức bán tài sản có từ 2 người trở lên tham gia đấu giá theo nguyên tắc và trình tự, thủ tục được quy định tại Luật này”. Do vậy, trường hợp chỉ có một người đăng ký, tham gia đấu giá, trả giá, chấp nhận giá không thể coi là bán đấu giá tài sản được. “Trên thực tế đã có nhiều trường hợp có những cản trở, tạo điều kiện cho 1 người tham gia đấu giá. Nếu không quy định cẩn thận sẽ hình thành sự móc nối, “quân xanh quân đỏ” trong hoạt động đấu giá” – đại biểu Phương cảnh báo.                           

Chuyên đề