Kỳ vọng từ đấu giá trực tuyến

(BĐT) - Với ưu điểm không ràng buộc về thời gian, vị trí địa lý, số lượng người tham gia đấu giá…, hình thức đấu giá trực tuyến đang được nhiều quốc gia áp dụng. 
Để thực hiện đấu giá trực tuyến, hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ hoạt động này phải đạt tiêu chuẩn. Ảnh: Hòa Bình st
Để thực hiện đấu giá trực tuyến, hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ hoạt động này phải đạt tiêu chuẩn. Ảnh: Hòa Bình st

Luật Đấu giá tài sản cũng đã bổ sung thêm hình thức đấu giá này bên cạnh một số hình thức đấu giá truyền thống với kỳ vọng hoạt động bán đấu giá tài sản sẽ cạnh tranh, công khai, minh bạch hơn.

3 mô hình đấu giá trực tuyến

Đấu giá trực tuyến là hình thức đấu giá cho phép người tham gia đấu giá thực hiện việc trả giá các tài sản thông qua Internet (trang thông tin điện tử). Cách thức này được sử dụng phổ biến tại nhiều nước trên thế giới hiện nay. Hình thức đấu giá này có nhiều ưu điểm như: không bị ràng buộc về thời gian, vị trí địa lý, số lượng người tham gia đấu giá…

Trên thế giới hiện có 3 mô hình về đấu giá trực tuyến. Mô hình thứ nhất là tổ chức thương mại đứng ra thành lập trang thông tin điện tử có hình thức đấu giá trực tuyến để người có tài sản, người mua tài sản thực hiện việc mua bán tài sản trên trang thông tin điện tử đó (điển hình như eBay, Amazone… đang là những trang đấu giá trực tuyến lớn nhất thế giới hiện nay).

Mô hình thứ hai là nhà nước giao cho 1 doanh nghiệp nhà nước đứng ra thành lập trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến để bán đấu giá tất cả các tài sản công hoặc tài sản khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao (điển hình như mô hình đấu giá của Công ty Quản lý tài sản Hàn Quốc - KAMCO). Và mô hình thứ ba là tổ chức đấu giá tài sản tự thành lập trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến, rồi tổ chức việc đấu giá tài sản trên trang thông tin điện tử đó.

Trong quá trình xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Thường trực Tổ biên tập Nghị định thấy rằng, với mô hình thứ nhất, việc đấu giá trực tuyến các hàng hóa không do tổ chức đấu giá tài sản thực hiện nên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu giá tài sản. Còn với mô hình thứ hai, việc đấu giá trực tuyến của KAMCO là chưa phù hợp và không đảm bảo tính khả thi trong bối cảnh hoạt động đấu giá hiện nay của Việt Nam. 

Quy định điều kiện thực hiện đấu giá trực tuyến

Việc đánh giá, thẩm định điều kiện thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến do Hội đồng Thẩm định thực hiện với thành phần là đại diện các bộ, ngành có liên quan do Bộ trưởng Bộ Tư pháp thành lập. 
Điều 40 Luật Đấu giá tài sản quy định 4 hình thức đấu giá bao gồm: đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá; đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá; đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp và đấu giá trực tuyến. Căn cứ quy định của pháp luật và vụ việc đấu giá cụ thể, tổ chức đấu giá tài sản sẽ thỏa thuận với người có tài sản đấu giá để lựa chọn một trong các hình thức đấu giá nêu trên để tiến hành cuộc đấu giá.

Căn cứ quy định trên về hình thức đấu giá trực tuyến, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Đấu giá tài sản quy định hình thức đấu giá trực tuyến tại Việt Nam đang được cơ quan soạn thảo xây dựng theo mô hình thứ ba vì mô hình này phù hợp với thực tiễn hoạt động đấu giá tại Việt Nam.

Theo đó, tổ chức đấu giá tài sản thành lập trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến của tổ chức mình hoặc ký hợp đồng với tổ chức đấu giá tài sản khác có trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến để tổ chức cuộc đấu giá bằng hình thức đấu giá trực tuyến thay cho hình thức đấu giá trực tiếp bằng lời nói hoặc đấu giá bằng bỏ phiếu. Đối với trường hợp cuộc đấu giá do Hội đồng Đấu giá tài sản thực hiện thì Hội đồng ký hợp đồng với tổ chức đấu giá tài sản có trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến để tổ chức cuộc đấu giá.

Dự thảo Nghị định cũng quy định các điều kiện để thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến đối với trang thông tin điện tử của tổ chức đấu giá tài sản. Việc đánh giá, thẩm định điều kiện thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến do Hội đồng Thẩm định thực hiện với thành phần là đại diện các bộ, ngành có liên quan do Bộ trưởng Bộ Tư pháp thành lập. Bộ Tư pháp phê duyệt Đề án đấu giá trực tuyến trên cơ sở đề nghị của Hội đồng Thẩm định và công bố danh sách tổ chức đấu giá tài sản có trang thông tin đấu giá trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản.

Ngoài ra, để việc đấu giá trực tuyến trên trang thông tin điện tử an toàn, công khai, minh bạch, khách quan, Dự thảo Nghị định cũng quy định yêu cầu của hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ hoạt động đấu giá trực tuyến, việc xác định người trúng đấu giá trên hệ thống thông tin, trách nhiệm của tổ chức đấu giá tài sản, tổ chức có trang thông tin điện tử có chức năng đấu giá trực tuyến trong hoạt động đấu giá trực tuyến.

Chuyên đề