Hàng trăm tỷ đồng tài sản thi hành án đang “đóng băng”

(BĐT) - Số tiền bán đấu giá thành công lên tới hàng trăm tỷ đồng chưa chi trả cho người được thi hành án do Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) công bố cho thấy, để Luật Đấu giá tài sản (ĐGTS) được thực thi hiệu quả thì rất cần cơ chế đặc thù trong việc bán đấu giá tài sản thi hành án dân sự.
Hàng trăm tỷ đồng tài sản thi hành án đang “đóng băng”

Đấu giá thành nhưng bàn giao không thành

Theo TS. Nguyễn Thắng Lợi, Vụ trưởng Vụ Giải quyết khiếu nại tố cáo thuộc Tổng cục THADS, tính đến thời điểm ngày 30/4/2016, trên toàn quốc có 336 vụ việc đã bán đấu giá thành công nhưng chưa giao được tài sản. Qua quá trình chỉ đạo quyết liệt của Tổng cục THADS, cơ quan THADS và các Chấp hành viên thì đến ngày 30/1/2016, số vụ việc mà các cơ quan THADS đã bán đấu giá thành công nhưng chưa giao được tài sản cho người trúng đấu giá là 258 vụ việc, giảm 78 vụ việc so với số liệu ngày 30/4/2015, trong đó Hà Nội và TP.HCM là 2 địa phương có nhiều vụ việc nhất.

Được biết, tài sản bán đấu giá thành công trong các vụ việc nêu trên chủ yếu là nhà ở và quyền sử dụng đất, tổng số tiền bán đấu giá thành công là hơn 556,475 tỷ đồng nhưng chưa chi trả cho người được thi hành án. Trong tổng số 258 vụ việc đã nêu, số tồn đọng từ trước năm 2012 là 25 vụ việc; năm 2013 là 13 vụ việc; năm 2014 là 14 vụ việc; năm 2015 là 65 vụ việc và năm 2016 là 141 vụ việc.

Ông Nguyễn Thắng Lợi cho biết, khó khăn trong việc chưa giao được tài sản nằm ở việc người thứ 3 có tài sản bảo đảm cho người thi hành án, người phải thi hành án chống đối, không chịu giao tài sản (chiếm tỷ lệ 60,85%); đương sự đang khiếu nại, khởi kiện yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá (chiếm tỷ lệ 13,56%); chưa có sự đồng thuận của chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan trong việc tổ chức thi hành án, cưỡng chế giao tài sản để thi hành án (25,58%).

Như vậy, xét riêng trên khía cạnh tài sản THADS thì việc đấu giá tài sản này là không hiệu quả. Lâu dần, dẫn đến tình trạng bán đấu giá không có người mua. Có những vụ việc, tài sản được rao bán hàng chục lần mà vẫn không bán được. 

Chờ cơ chế để đẩy mạnh thực hiện

Để phát huy hiệu quả thực thi Luật Đấu giá tài sản, rất cần những quy định riêng, đặc thù cho việc bán đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự.
Tổng cục THADS cho rằng, một trong những vướng mắc mà các cơ quan THADS đang gặp phải là các quy định của pháp luật về thi hành án và bán đấu giá tài sản không phù hợp vì tài sản bán đấu giá là tài sản vẫn do người phải thi hành án hoặc do người thứ ba quản lý (người thân thích của người phải thi hành án).

Song, theo ông Nguyễn Đại Dân, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp Hải Dương, bản thân việc đấu giá tài sản thi hành án không vướng, mà cái vướng chủ yếu nằm ở cơ quan thi hành án. Do cơ quan thi hành án vẫn chưa giải quyết được dứt điểm những tranh chấp từ lúc tài sản được đưa ra tòa án để giải quyết đến lúc tuyên bản án.

“Do đó, khi tiến hành ký hợp đồng bán đấu giá tài sản thi hành án thì Chấp hành viên (được cơ quan thi hành án ủy quyền) và tổ chức bán đấu giá tài sản phải có những thỏa thuận rất kỹ, đặc biệt tổ chức bán đấu giá tài sản phải có thẩm định rất kỹ trong việc tài sản có bàn giao được hay không” – ông Dân nêu quan điểm.

Tuy nhiên, về lâu dài, TS. Nguyễn Thắng Lợi cho rằng, để phát huy hiệu quả thực thi Luật Đấu giá tài sản, rất cần những quy định riêng, đặc thù cho việc bán đấu giá tài sản trong THADS.

Luật Đấu giá tài sản chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2017. Tại Điểm c Khoản 2 Điều 47  quy định, người có tài sản đấu giá phải giao tài sản và các giấy tờ liên quan đến tài sản đấu giá cho người mua được tài sản đấu giá theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp người có tài sản đấu giá có hành vi vi phạm Khoản 2 Điều 47 (như không bàn giao tài sản) thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Đại Dân kỳ vọng, khi Luật chính thức có hiệu lực, việc bàn giao tài sản thi hành án sẽ được đẩy mạnh hơn nữa.                 

Chuyên đề