Dự thảo Luật Đấu giá tài sản: Chỉ là Luật về thủ tục, trình tự

(BĐT) - Trình bày trước Quốc hội tại hội trường ngày 24/10, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh, Dự thảo Luật Đấu giá tài sản xác định rõ là Luật về thủ tục, trình tự đấu giá tài sản chứ không phải Luật về nội dung. 

Song, ngay cả về thủ tục, trình tự đấu giá tài sản, Dự thảo Luật vẫn nhận được nhiều ý kiến trái chiều của đại biểu Quốc hội.

Khó niêm yết việc đấu giá tài sản

Theo đại biểu Trần Văn Minh (đoàn Quảng Ninh), việc niêm yết việc đấu giá tài sản được quy định tại Điểm b, Khoản 1 Điều 34 Dự thảo lần này đã có điều chỉnh cho phù hợp hơn so với lần trình Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khóa XIII. Theo đó, với tài sản là bất động sản thi hành án thì khi đấu giá tài sản, tổ chức đấu giá tài sản chỉ niêm yết việc đấu giá tài sản tại trụ sở của tổ chức mình, nơi tổ chức cuộc đấu giá và UBND xã, phường, thị trấn nơi có bất động sản đấu giá.

Tuy nhiên, Dự thảo Luật vẫn giữ lại quy định đối với các loại tài sản là bất động sản khác thì ngoài phải niêm yết tại trụ sở của mình, nơi tổ chức cuộc đấu giá, vẫn phải niêm yết tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có bất động sản đấu giá. Việc đấu giá tại nơi có bất động sản, theo đại biểu Minh, cũng nên cân nhắc lại quy định này. Bởi vì, tổ chức đấu giá tài sản khó có thể thực hiện được điều này, cụ thể đối với việc niêm yết bán đấu giá quyền sử dụng đất mà có lô đất trống hoặc những tài sản không có chỗ để dán niêm yết như ao, hồ, thửa đất nằm giữa cánh đồng v.v... thì tổ chức đấu giá tài sản sẽ không biết phải niêm yết và bảo vệ niêm yết này như thế nào. Như vậy, quy định này có lẽ chỉ mang tính chất hình thức và theo đại biểu Minh nên bỏ cho phù hợp với tình hình thực tế.

Cho rằng, việc quy định địa điểm đấu giá là nơi có tài sản đấu giá, ở đây có thể là UBND xã, thị trấn hoặc tại các cơ quan có tài sản đấu giá, trụ sở đấu giá là quá rộng, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Lạng Sơn) nhấn mạnh, so với yêu cầu công khai, minh bạch, hiệu quả của việc đấu giá nhất là tài sản công thì quy định tại 3 điều (niêm yết tài sản đấu giá tại Điều 34, xem tài sản đấu giá tại Điều 35 và địa điểm đấu giá tại Điều 36 Dự thảo Luật) còn mang tính hình thức và dễ dẫn đến những sự việc đã rồi. “Mặc dù đảm bảo tính linh hoạt nhưng sẽ không thúc đẩy được tính chuyên nghiệp của các hoạt động đấu giá và tạo nhiều kẽ hở, rào cản trong quá trình thực thi, tăng chi phí hành chính, không tạo được điều kiện cho các thành phần tham gia” – đại biểu Thành nói.

Đấu giá tài sản với 1 người tham gia

Tại hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ quan tâm đến một nội dung thủ tục khác trong đấu giá tài sản đó là quy định tại Điều 49, đấu giá trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, trả giá và chấp nhận giá. 

Đại biểu Trịnh Ngọc Phương (đoàn Tây Ninh) bày tỏ quan điểm không đồng thuận với nội dung này vì cho rằng quy định tại Điều 49 là không khoa học. Đại biểu Phương lý giải, khi chỉ có một người tham gia đấu giá, trả giá, chấp nhận giá thì Điểm a và Điểm b Khoản 1 Điều 49 của Dự thảo Luật về quy định tài sản được bán cho người duy nhất đó nếu người đấu giá tài sản có giá hợp lý. Điều này cho thấy việc đấu giá không còn phụ thuộc việc cạnh tranh lợi ích trong đấu giá nữa mà phụ thuộc vào ý chí của người có tài sản bán đấu giá.

Bên cạnh đó về mặt về mặt ý chí, người có tài sản đấu giá mong muốn thông qua việc cạnh tranh của người mua để mình bán được giá cao nhất nên trong trường hợp chỉ có một người mua thì mong muốn ấy không đạt được. Về mặt pháp lý, tại Khoản 2 Điều 4 Dự thảo đã giải thích: “đấu giá tài sản là hình thức bán tài sản có từ 2 người trở lên tham gia đấu giá theo nguyên tắc và trình tự thủ tục được quy định tại luật này”. Do vậy, trong trường hợp này không thể coi là bán đấu giá tài sản được, vì chỉ có 1 người tham gia, về mặt pháp lý không được đảm bảo – đại biểu Phương bày tỏ quan điểm và cho rằng, nếu không làm kỹ sẽ xảy ra hình thức thông đồng móc nối, gọi là quân xanh, quân đỏ, trong trường hợp này quân xanh, quân đỏ chỉ tạo điều kiện cho 1 người tham gia và người đó sẽ dìm giá và thực tế điều này diễn ra rất nhiều.

Đại biểu Trịnh Ngọc Phương bày tỏ quan điểm không đồng thuận vì cho rằng quy định tại Điều 49 là không khoa học

Từ những phân tích của mình, đại biểu Trịnh Ngọc Phương kiến nghị bỏ toàn bộ nội dung Điều 49 và sửa đổi như sau: Điều 49, việc đấu giá trong trường hợp chỉ có 1 người đăng ký tham gia đấu giá, trả giá, chấp nhận giá là trường hợp đấu giá không thành. Bổ sung vào Điểm f  Khoản 1 Điều 52 về trường hợp đấu giá không thành là chỉ có 1 người đăng ký tham gia đấu giá, trả giá, chấp nhận giá.

Tuy nhiên, ở góc tiếp cận của mình, đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) nhận định, quy định việc bán đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất bắt buộc phải có từ hai người trở lên đăng ký tham gia đấu giá, trả giá là không phù hợp với tình hình thực tế.

Đại biểu này phân tích, khi đăng ký tham gia đấu giá thì người đăng ký phải nộp tiền đặt trước, danh sách những người đăng ký tham gia đấu giá được giữ bí mật nên dẫn đến trường hợp cùng một khu đất, có một thửa đất nhiều người đăng ký, thửa đất liền kề chỉ có 1 người đăng ký hoặc không có người đăng ký. Đến ngày mở bán đấu giá thì khách hàng mới biết thửa đất mà họ đã đăng ký chỉ có 1 người đăng ký tham gia đấu giá thì họ lại không được tham gia đấu giá. Trong trường hợp công khai danh sách tham gia đấu giá sẽ vi phạm việc giữ bí mật dẫn đến hiện tượng thông đồng và dìm giá. 

Ngoài ra, trong thực tế việc bán đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất tại những địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, thu nhập của nhân dân thấp nên nhu cầu và khả năng tham gia đấu giá không nhiều, chỉ tập trung vào một số đối tượng có thu nhập cao. Vì vậy, nhiều khu vực đất quy hoạch để đấu giá có thông báo bán đấu giá nhiều năm nhưng vẫn không có khách hàng đăng ký mua.

Chuyên đề