Đấu giá tài sản của đại gia thủy sản bị truy tố

(BĐT) - Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) vừa thông báo lựa chọn tổ chức bán đấu giá tài sản (ĐGTS) thực hiện bán đấu giá một loạt tài sản là quyền sử dụng đất tại Hậu Giang, Cần Thơ và một số phương tiện vận tải. 
Công ty Thiên Mã sở hữu 54 thửa đất tại tỉnh Hậu Giang được dùng làm ao nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Tường Lâm
Công ty Thiên Mã sở hữu 54 thửa đất tại tỉnh Hậu Giang được dùng làm ao nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Tường Lâm

Đây đa số là tài sản của “đại gia” thủy sản một thời Phan Bá Tòng, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thủy sản Thiên Mã (Công ty Thiên Mã). Ông Tòng hiện bị truy tố về hành vi “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”.

Lựa chọn tổ chức bán đấu giá tài sản uy tín

Theo đó, tài sản bán đấu giá là quyền sử dụng đất tại các xã: Hiệp Hưng, Đông Phước, Đông Phước A thuộc tỉnh Hậu Giang; ấp Tân Lợi 2, phường Thuận Hưng, khu vực Thới Mỹ, phường Thới Long thuộc TP. Cần Thơ với tổng diện tích 364.430,3 m2, tổng giá khởi điểm gần 22,5 tỷ đồng. Cùng với đó là 3 phương tiện vận tải có biển số đăng ký tại Cà Mau.

DATC cho biết, tổ chức bán ĐGTS phải đáp ứng một số tiêu chí lựa chọn như: có cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo phù hợp cho việc bán đấu giá loại tài sản nêu trên (trụ sở, địa điểm ĐGTS có địa chỉ rõ ràng, có phòng ĐGTS phù hợp, số lượng chi nhánh...); có phương án đấu giá khả thi, hiệu quả.

Về năng lực, kinh nghiệm và uy tín của tổ chức đấu giá, DATC yêu cầu tổ chức bán ĐGTS phải cung cấp số lượng đấu giá viên theo yêu cầu; kinh nghiệm trong lĩnh vực đấu giá, trong đó kinh nghiệm ĐGTS là quyền sử dụng đất (liệt kê các hợp đồng thực hiện trong 2 năm gần nhất); tỷ lệ đấu giá thành công; trong 3 năm gần nhất không có khiếu nại nào của khách hàng; có tên trong danh sách các tổ chức ĐGTS do Bộ Tư pháp/Sở Tư pháp tỉnh/thành công bố;...

Theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, rất nhiều tài sản trong loạt tài sản là quyền sử dụng đất tại Hậu Giang, Cần Thơ thuộc sở hữu của ông Phan Bá Tòng và vợ là bà Trần Thị Kim Yến. Ông Phan Bá Tòng trước đây là Giám đốc Công ty Thiên Mã, một trong những đại gia ngành thủy sản nhưng đã “vỡ nợ”.

Đấu giá 10 lô đất của đại gia thủy sản

Năm 2005, ông Phan Bá Tòng bắt đầu đứng ra thành lập Công ty Thiên Mã, có trụ sở nằm tại Khu công nghiệp Trà Nóc 2, TP. Cần Thơ. Công ty được thành lập với số vốn điều lệ ban đầu là 70 tỷ đồng.

Thời gian đầu ông đã nhanh chóng cho hoàn thành 3 nhà máy, xây dựng hệ thống 12 trang trại thủy sản khép kín. Từ khâu sản xuất cá bột đến khâu đưa vào ao nuôi 40.000 tấn cá da trơn mỗi năm đều giúp Công ty Thiên Mã ổn định đầu vào và có nguồn cung lớn cho hàng hóa đầu ra.

Chưa dừng lại tại đó, ông Tòng tiếp tục bỏ ra hơn 200 tỷ đồng đầu tư 100 ha đất trang trại, chưa kể các chi phí thiết bị, công nghệ, dây chuyền chế biến sản xuất của các nước tiên tiến...

Tuy nhiên, mãi tới sau này mọi chuyện mới vỡ lở, số tiền để ông Tòng mở rộng hoạt động kinh doanh đều đến từ tiền vay ngân hàng bằng việc khai khống các hồ sơ, chứng từ vay vốn trong khi bản thân ông không có vốn.

Vào đầu năm 2011, Công ty Thiên Mã bắt đầu có dấu hiệu ngưng hoạt động vì nợ nần chồng chất. Năm 2016, Cục Cảnh sát kinh tế (C46 - Bộ Công an) phối hợp với Công an TP. Cần Thơ đã bắt, khám xét nơi làm việc và nhà riêng của ông Phan Bá Tòng. Ông Tòng bị bắt vì có hành vi sai phạm về kinh tế liên quan đến một số ngân hàng tại Cần Thơ.

Tính đến ngày 31/3/2016, dư nợ của Công ty Thiên Mã tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ là trên 471 tỷ đồng, trong đó, dư nợ vay tín dụng đầu tư trên 104,2 tỷ đồng (trong đó nợ gốc 70 tỷ đồng). Dư nợ vay tín dụng xuất khẩu gần 367 tỷ đồng (nợ gốc 147,3 tỷ đồng). Sau khi tiến hành xử lý tài sản bảo đảm và thu nợ tài sản, đến ngày 31/3/2016, cơ quan điều tra xác nhận dư nợ của Công ty còn trên 147 tỷ đồng.

DATC cho biết, tài sản là quyền sử dụng đất được đưa ra đấu giá lần này gồm 10 lô đất có tên chủ sở hữu trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuộc về ông Pham Bá Tòng và bà Trần Thị Kim Yến. Trong đó, có 2 thửa đất nằm sát nhau tại phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ đang sử dụng để ở và trồng cây ăn quả với tổng diện tích 473 m2. Ngoài ra, còn 8 thửa đất còn lại tại Hậu Giang và Cần Thơ được sử dụng làm ao nuôi trồng thủy sản.

Công ty Thiên Mã còn sở hữu 54 thửa đất tại tỉnh Hậu Giang được dùng làm ao nuôi trồng thủy sản.

Chuyên đề