Đấu giá tài sản chưa hiệu quả do thông đồng, dìm giá

(BĐT) - Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, chất lượng nhiều phiên đấu giá còn chưa có hiệu quả, còn tồn tại tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông đồng, dìm giá, giá trị tài sản bán vượt mức giá khởi điểm chưa cao, chưa có tiêu chí lựa chọn tổ chức bán đấu giá, cơ chế kiểm soát việc bán đấu giá...
Theo thống kê của 27/63 địa phương, các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp đã bán đấu giá quyền sử dụng đất thu được hơn 14.218 tỷ đồng, vượt giá khởi điểm khoảng 2.008 tỷ đồng . Ảnh: Lê Tiên
Theo thống kê của 27/63 địa phương, các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp đã bán đấu giá quyền sử dụng đất thu được hơn 14.218 tỷ đồng, vượt giá khởi điểm khoảng 2.008 tỷ đồng . Ảnh: Lê Tiên

Nhằm xã hội hóa hoạt động bán đấu giá tài sản và phát triển như một dịch vụ chuyên nghiệp trong nền kinh tế thị trường, từ năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản (Nghị định 17) thay thế Nghị định số 05/2005/NĐ-CP.

Đây được xem là một bước tiến quan trọng trong việc củng cố khung khổ pháp luật về bán đấu giá tài sản, tuy nhiên quá trình thực hiện đã bộc lộ nhiều hạn chế đặt ra yêu cầu sớm ban hành Luật Đấu giá.

4 năm đấu giá tài sản thu vượt hơn 3.000 tỷ đồng

Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, sau gần 4 năm thi hành Nghị định 17, các tổ chức bán đấu giá tài sản đã thực hiện bán đấu giá nhiều loại tài sản, trong đó tập trung vào bán đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản thi hành án, tài sản giao dịch bảo đảm, tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu...

Qua 4 năm, các tổ chức đấu giá tài sản đã ký hơn 23.000 hợp đồng bán đấu giá với giá khởi điểm hơn 38.876 tỷ đồng, giá trị tài sản bán được hơn 41.959 tỷ đồng, vượt hơn 3.082 tỷ đồng so với giá khởi điểm. Về hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, theo thống kê của 27/63 địa phương, các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp đã bán đấu giá quyền sử dụng đất thu được hơn 14.218 tỷ đồng, vượt giá khởi điểm khoảng 2.008 tỷ đồng.

Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Dự thảo Luật Đấu giá đã được trình Quốc hội thảo luận. Đây là dự án Luật quan trọng không chỉ nâng cao tính pháp lý của hoạt động đấu giá mà còn mở đường cho những hoạt động đấu giá phức tạp, có giá trị lớn ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức tín dụng là tài sản đảm bảo trong quá trình xử lý nợ xấu. Dự kiến Dự án Luật này sẽ được xem xét thông qua trong các kỳ họp Quốc hội tới.

Một số tổ chức bán đấu giá tài sản có giá trị lớn như: Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tỉnh Hải Dương đã bán được lượng tài sản trị giá hơn 2.200 tỷ đồng, vượt hơn 512 tỷ đồng so với giá khởi điểm; Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TP.HCM đã bán được lượng tài sản trị giá hơn 2.417 tỷ đồng, vượt hơn 115 tỷ đồng so với giá khởi điểm...

Một số doanh nghiệp (DN) bán đấu giá từng bước gây dựng tên tuổi như: Công ty CP Bán đấu giá Bắc Trung Nam đã bán đấu giá được giá trị tài sản hơn 889 tỷ đồng, vượt hơn 96 tỷ đồng so với giá khởi điểm; Công ty CP Đấu giá số 5 quốc gia đã bán đấu giá được giá trị tài sản hơn 531 tỷ đồng, vượt hơn 78 tỷ đồng so với giá khởi điểm.

Nghị định 17 ra đời đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động đấu giá rõ ràng hơn, thúc đẩy sự ra đời của các tổ chức đấu giá. Đến thời điểm này, cả nước có 244 tổ chức đấu giá chuyên nghiệp, trong đó có 63 trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản và 181 doanh nghiệp bán đấu giá tài sản. Cùng với sự ra đời của các DN đấu giá, số lượng đấu giá viên cũng tăng lên khá nhanh. Theo báo cáo của các địa phương, trước khi Nghị định 17 có hiệu lực thi hành, cả nước chỉ có 583 đấu giá viên; tuy nhiên, tính từ khi Nghị định có hiệu lực đến hết 31/3/2014, tổng số đấu giá viên cả nước đã tăng lên 1.114, trong đó có 619 đấu giá viên có đăng ký hoạt động.

Còn tồn tại tình trạng “quân xanh, quân đỏ”

Hoạt động đấu giá đạt được một số kết quả tích cực, tuy nhiên đã bộc lộ nhiều hạn chế. Trên thực tế đã xuất hiện tình trạng “cạnh tranh” không lành mạnh giữa các tổ chức bán đấu giá tài sản. Một số tổ chức bán đấu giá không tuân thủ nghiêm túc về trình tự, thủ tục bán đấu giá, trích lại phần trăm phí cho cơ quan, đơn vị có tài sản bán đấu giá để thu hút sử dụng dịch vụ của tổ chức mình. Điều này gây ảnh hưởng đến uy tín và sự phát triển lành mạnh của hoạt động bán đấu giá tài sản. Nhiều DN bán đấu giá tài sản hoạt động thiếu tính chuyên nghiệp, quy mô nhỏ, manh mún, cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu, trình độ quản lý còn bất cập.

Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, chất lượng nhiều phiên đấu giá còn chưa có hiệu quả, còn tồn tại tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông đồng, dìm giá, giá trị tài sản bán vượt mức giá khởi điểm chưa cao, chưa có tiêu chí lựa chọn tổ chức bán đấu giá, cơ chế kiểm soát việc bán đấu giá... Đặc biệt, việc bàn giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá còn gặp rất nhiều khó khăn dẫn đến tình trạng người mua được tài sản (nhất là tài sản thi hành án, tài sản giao dịch bảo đảm) chịu nhiều rủi ro. Trong một số trường hợp quyền lợi của người mua tài sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng do không nhận được tài sản sau hàng chục năm. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến việc người dân “tẩy chay” tài sản mà việc chuyển giao quyền sở hữu gặp nhiều khó khăn.

Là nhân tố quan trọng trong hoạt động đấu giá, không ít đấu giá viên còn yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, hạn chế chuyên môn về pháp luật, kỹ năng hành nghề, không cập nhật kiến thức pháp luật, có biểu hiện tiêu cực, vi phạm pháp luật trong hoạt động nghề nghiệp. Một số tổ chức hành nghề bán đấu giá tài sản và một số đấu giá viên còn chạy theo lợi nhuận nên thực hiện công việc không theo đúng quy định của pháp luật nhằm trục lợi. Sự phân bố các tổ chức bán đấu giá tài sản không đều, chủ yếu tập trung tại các thành phố và các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, nên chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dịch vụ theo hướng chuyên nghiệp hóa, đôi khi chưa đáp ứng được nhu cầu bán đấu giá tài sản của địa phương.

Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Dự thảo Luật Đấu giá đã được trình Quốc hội thảo luận. Đây là dự án Luật quan trọng không chỉ nâng cao tính pháp lý của hoạt động đấu giá mà còn mở đường cho những hoạt động đấu giá phức tạp, có giá trị lớn ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức tín dụng là tài sản đảm bảo trong quá trình xử lý nợ xấu. Dự kiến Dự án Luật này sẽ được xem xét thông qua trong các kỳ họp Quốc hội tới.

Chuyên đề