Có ít nhất 3 loại tiêu cực trong đấu giá tài sản

(BĐT) - Luật Đấu giá tài sản dự kiến được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV tới đây. Nhiều ý kiến cho rằng nếu không được quy định chặt chẽ, hoạt động đấu giá sẽ làm thất thoát tài sản nhà nước rất lớn. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Báo Đấu thầu có cuộc trao đổi với ông Lê Anh Linh, Giám đốc Công ty cổ phần Đấu giá Bắc Trung Nam về những tiêu cực trong hoạt động đấu giá tài sản.

Hoạt động trong lĩnh vực đấu giá tài sản đã nhiều năm, theo ông, những tiêu cực chủ yếu trong hoạt động này hiện nay là gì?

Tôi cho rằng có ít nhất 3 loại tiêu cực trong đấu giá tài sản. Tiêu cực thứ nhất là sự liên kết, thông đồng giữa người có tài sản bán đấu giá và tổ chức bán đấu giá. Cụ thể, người có tài sản bán đấu giá lợi dụng kẽ hở của pháp luật hiện hành là sau khi thuê tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp thực hiện việc bán đấu giá thì không chịu trách nhiệm gì trong việc bán đấu giá tài sản. Do đó, người có tài sản thường thuê các tổ chức bán đấu giá làm theo ý mình nhằm trục lợi cá nhân.

Để làm được điều này, người có tài sản thường tìm và lựa chọn tổ chức bán đấu giá nào làm lợi cho cá nhân mình nhất. Khi xác định giá khởi điểm thường thuê các đơn vị thẩm định giá đưa ra giá khởi điểm rất thấp để đấu giá.

Đối với tổ chức bán đấu giá, họ sẽ không đăng thông tin bán đấu giá trên phương tiện thông tin đại chúng; hoặc có đăng thì thông tin rất chung chung, không đăng tên người có tài sản bán đấu giá, nơi để tài sản bán đấu giá. Ngoài ra, khi làm hồ sơ bán đấu giá thì cố tình làm 2 hồ sơ, 1 hồ sơ bán cho khách hàng và 1 hồ sơ lưu để phục vụ cho công tác thanh, kiểm tra. 2 hồ sơ này sẽ khác nhau về tên tài sản, số lượng, mục đích sử dụng và thời hạn sử dụng (đối với bất động sản); khác nhau về giá khởi điểm, về tên người có tài sản đấu giá, nơi để tài sản đấu giá…

Tiêu cực thứ hai trong đấu giá là sự thông đồng của tổ chức bán đấu giá với người tham gia đấu giá. Để thực hiện điều này, tổ chức đấu giá sẽ cung cấp danh sách khách hàng tham gia đấu giá để khách hàng dàn xếp trước khi vào phiên đấu giá. Giá trúng đấu giá thường chỉ cao hơn giá khởi điểm tí chút, mặc dù khách hàng tham gia rất đông.

Tiêu cực lớn thứ ba là sự liên kết, thông đồng giữa các khách hàng đấu giá với nhau. Những phiên đấu giá này thường là phiên đấu giá trực tiếp bằng lời nói hay bỏ phiếu trực tiếp nhiều vòng tại phiên đấu giá.

Có ít nhất 3 loại tiêu cực trong đấu giá tài sản ảnh 1
Ông Lê Anh Linh
Với những tiêu cực như vậy, cần có những chế tài gì để hoạt động đấu giá thực sự minh bạch?

Trong đấu giá tài sản, khâu đăng thông tin bán đấu giá trên báo giấy là rất quan trọng, bởi khâu niêm yết bán đấu giá làm giả hồ sơ hiện đang thực hiện quá dễ dàng nên không đáng tin cậy, trong khi đó những thông tin làm giả trên báo thì khó khăn hơn nhiều. Theo tôi, nội dung đăng thông báo bán đấu giá yêu cầu đầy đủ và ngắn gọn nhất, nhưng phải bắt buộc có các điểm chính là: tên, địa chỉ số điện thoại đơn vị tổ chức bán đấu giá; tên tài sản bán đấu giá; giá khởi điểm (có thuế hay chưa có thuế VAT); tên người có tài sản; nơi để tài sản; thời gian, địa điểm đăng ký tham gia đấu giá; thời gian, địa điểm tổ chức phiên đấu giá.

Thứ hai là cần kiên quyết hủy kết quả bán đấu giá trong các trường hợp nội dung đăng thông tin bán đấu giá bị thiếu hoặc không đúng các thông tin nêu trên; tổ chức bán đấu giá không bán hồ sơ cho khách hàng có nhu cầu tham gia đấu giá... 

Ông có đề xuất gì về đối tượng áp dụng được quy định trong Dự thảo Luật  Đấu giá tài sản?

Đối với loại tài sản bán đấu giá được quy định phải áp dụng thực hiện theo Luật Đấu giá tài sản cần bổ sung thêm tài sản của các doanh nghiệp có từ 30% vốn nhà nước trở lên bởi những tài sản này có giá trị rất lớn.

Luật Đấu thầu cũng quy định dự án đầu tư phát triển có sử dụng vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước từ 30%  trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư dự án cũng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu. Để thống nhất giữa các luật với nhau, tôi đề nghị nên đưa đối tượng áp dụng nêu trên vào Luật Đấu giá tài sản và đưa thành một điều khoản riêng.

Chuyên đề