Chuyển đổi DN đấu giá: Còn nhiều băn khoăn

(BĐT) - Luật Đấu giá tài sản (ĐGTS) có hiệu lực từ ngày 1/7/2017 đang đặt ra những vấn đề rất mới trong quản lý nhà nước đối với các sở tư pháp và các cơ quan ban, ngành có liên quan. 
Chuyển đổi DN đấu giá: Còn nhiều băn khoăn

Tại Hội nghị quán triệt Luật ĐGTS vừa được Bộ Tư pháp tổ chức đã có khá nhiều ý kiến băn khoăn trong việc triển khai Luật, trong đó có vấn đề chuyển đổi loại hình doanh nghiệp (DN).

Trước đây, theo quy định của Nghị định 17/2010/NĐ-CP, việc đăng ký hành nghề bán ĐGTS được thực hiện tại Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT). Đơn cử, từ năm 2010 đến nay, tại Hà Nội, có 110 DN bán ĐGTS, trong đó có 2 DN bán ĐGTS chuyên nghiệp đã đăng ký tại Sở KH&ĐT.

Tuy nhiên, do Sở Tư pháp không được nhận thường xuyên danh sách các DN bán ĐGTS đăng ký ngành nghề bán ĐGTS từ Sở KH&ĐT nên không kịp cập nhật số lượng các tổ chức bán đấu giá. Bất cập này gây ảnh hưởng đến chất lượng quản lý nhà nước trong lĩnh vực bán ĐGTS.

Ngoài ra, kết quả hoạt động bán ĐGTS của các tổ chức cũng khác nhau; các DN đăng ký nhiều ngành nghề kinh doanh, trong đó có bán ĐGTS hoạt động hạn chế, ít việc. Đơn cử, Công ty CP Đấu giá Lạc Việt đã thực hiện 58 cuộc đấu giá thành công, tổng phí đấu giá thu được 3 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 277 triệu đồng…

Do vậy, đại diện Sở Tư pháp TP. Hà Nội đánh giá, việc cấp Đăng ký hoạt động cho các DN bán ĐGTS được quy định trong Luật ĐGTS sẽ khắc phục những bất cập trong quản lý nhà nước và góp phần tạo nên tính chuyên nghiệp trong hoạt động bán ĐGTS.

Nghiên cứu các quy định của Luật ĐGTS, bà Nguyễn Quế Anh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nghệ An nêu quan điểm về việc Luật có quy định rõ trong thời hạn 2 năm kể từ ngày Luật có hiệu lực thi hành, DN ĐGTS thành lập trước ngày Luật có hiệu lực thi hành mà tiếp tục hoạt động ĐGTS thì phải đáp ứng quy định tại Khoản 3 Điều 23 của Luật và thực hiện việc đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp. Song, tại Nghị định 62/2010/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ĐGTS lại không quy định rõ thời hạn và lộ trình chi tiết dẫn đến những “băn khoăn” khi triển khai.

Bà Quế Anh nêu thực tế, tỉnh Nghệ An có tới 19 tổ chức đấu giá, trong đó có 18 DN bán ĐGTS với đa dạng các loại hình DN (cổ phần; tư nhân; DN đa chức năng ngành nghề, trong đó có đấu giá), việc không quy định rõ cách thức và lộ trình chuyển đổi sang loại hình DN tư nhân hoặc công ty hợp danh sẽ khiến địa phương không biết được lộ trình để triển khai.

Một đại biểu khác cho rằng, việc đăng ký hoạt động đối với DN bán ĐGTS được quy định trong Luật và Nghị định chưa rõ ràng sẽ dẫn đến sự thực hiện không đồng bộ. “Nên chăng cần quy định rõ, đối với những DN được Sở KH&ĐT cấp đăng ký DN hoạt động chỉ một lĩnh vực bán đấu giá thì khi Sở Tư pháp cấp giấy phép hoạt động phải quy định rõ là giấy phép đăng ký hoạt động của Sở KH&ĐT hết hiệu lực kể từ ngày Sở Tư pháp cấp đăng ký lần đầu. Khi đó sẽ không cần sự thống nhất giữa 2 sở mà cứ theo Nghị định để thực hiện” – đại biểu này đề xuất.

Chuyên đề