Chủ tịch Quốc hội: Từ 2019, cần đấu giá công khai trước khi giao đất

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng ngân sách đang bị thất thoát nhiều do nhiều trường hợp được giao đất không qua đấu giá công khai.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch Quốc hội. Ảnh: VPQH
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch Quốc hội. Ảnh: VPQH

Ngày 16/10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn (2016-2020), dự toán ngân sách nhà nước 2018, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2019 và kế hoạch tài chính – ngân sách ba năm (2019-2021).

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Nhà nước thất thoát nhiều trong vấn đề đất đai. Nếu đấu giá công khai sẽ quản lý được tài nguyên quốc gia. Theo bà, nhiều người, trong đó có đại gia bất động sản đã giàu lên nhờ được giao đất không cần qua đấu giá. "Giờ không được giao đất thu tiền một lần, giao theo kiểu không rõ ràng làm thất thoát tiền bạc của Nhà nước", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Do đó, lãnh đạo Quốc hội đề nghị từ năm 2019 đấu giá công khai giao đất có thu tiền sử dụng hoặc cho thuê đất thu tiền một lần, cho thuê đất trả tiền một lần để kinh doanh thương mại. Việc đấu giá này gồm cả trường hợp đất công đang cho doanh nghiệp Nhà nước thuê hoặc đất có sở hữu tài sản Nhà nước.

Nếu cần thiết, để có điều kiện đấu giá, ngân sách ứng vốn giải phóng mặt bằng theo tiến độ đền bù, hỗ trợ người dân. Sau khi đấu giá xong thì hoàn trả tiền tạm ứng cho ngân sách. Bà Ngân đề nghị đưa nội dung này vào Nghị quyết về ngân sách để Quốc hội giám sát.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia (2016 - 2020), ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách nhận xét, cơ cấu chi ngân sách đã chuyển dịch theo hướng "giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng chi đầu tư", nhưng sự chuyển dịch vẫn chậm, chưa mạnh mẽ. Điều này khiến tỷ lệ chi thường xuyên chưa giảm mạnh như mong muốn.

Cùng với đó, trong bối cảnh nguồn lực ngân sách còn hạn hẹp, phải đi vay để cân đối nhưng việc xây dựng, phân bổ và giao dự toán một số năm gần đây, nhất là năm 2017, "chưa sát với yêu cầu thực tiễn, dẫn đến cuối năm dư kinh phí hoặc chưa phân bổ".

Cơ quan thẩm tra đề nghị, Chính phủ rà soát nguồn thu từ đất để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách của một số Bộ, ngành, nhằm điều chỉnh tổng thể kế hoạch đầu tư công trung hạn.

"Chính phủ cần siết chặt hơn nữa kỷ luật, kỷ cương quản lý chi tiêu ngân sách, bổ sung chế tài với cá nhân, tổ chức vi phạm trong thực hiện quy trình lập, quyết toán ngân sách", ông Hải nêu.

Kết luận phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá cao cố gắng của Chính phủ trong thực hiện nghị quyết về đầu tư công trung hạn.

"Hiệu quả đầu tư được cải thiện một bước, bước đầu khắc phục được tình trạng quyết định đầu tư tuỳ tiện, giảm nợ đọng cơ bản, quản lý chặt vốn ứng trước và phân bổ hàng năm. Giải ngân có khó khăn nhưng điều này cũng tạo ra sự thận trọng hơn, chặt chẽ trong quản lý đầu tư công", Phó chủ tịch nhận xét.

Tuy nhiên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy cân đối nguồn lực mới đảm bảo 53% nhu cầu, lựa chọn ưu tiên và thủ tục còn bất cập, phân bổ còn chậm, bố trí nguồn vốn chưa hợp lý. Vấn đề kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng cơ bản chưa thực sự nghiêm.

Về kiến nghị điều chỉnh bổ sung, cơ quan thường trực Quốc hội nhất trí trình Quốc hội theo hướng giữ nguyên trần đầu tư công 2 triệu tỷ đồng. Bên cạnh đó, điều chỉnh giảm nguồn vốn bố trí cho công trình trong điểm quốc gia từ 80.000 tỷ xuống 70.000 tỷ đồng và dành 10.000 tỷ đồng cho dự án quan trọng, chống sạt lở ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long...

Chuyên đề