Cần quy định rõ về công bố thông tin đấu giá

(BĐT) - Dự thảo Luật Đấu giá tài sản đang được lấy ý kiến rộng rãi để chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến thông qua tại kỳ họp tới. Một trong những nội dung quan trọng thu hút nhiều sự quan tâm là công khai minh bạch thông tin trong tổ chức đấu giá tài sản.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Vừa niêm yết vừa công khai trên báo chí

Để công khai thông tin, theo Dự thảo Luật, các tổ chức đấu giá tài sản phải thực hiện niêm yết tại nơi có tài sản đấu giá và đăng thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Cụ thể, theo nội dung Điều 33 của Dự thảo, đối với tài sản là động sản thì tổ chức đấu giá phải niêm yết việc đấu giá tại trụ sở của tổ chức mình, nơi trưng bày tài sản nếu có, nơi tổ chức cuộc đấu giá chậm nhất là 7 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá.

Đối với tài sản là bất động sản thì tổ chức đấu giá tài sản phải niêm yết việc đấu giá tại trụ sở của tổ chức mình, nơi có bất động sản, nơi tổ chức cuộc đấu giá và UBND xã, phường, thị trấn nơi có bất động sản đấu giá chậm nhất là 15 ngày trước ngày mở cuộc đấu giá; trong trường hợp đấu giá tài sản thi hành án thì tổ chức đấu giá tài sản niêm yết việc đấu giá tài sản tại trụ sở của tổ chức mình, nơi tổ chức cuộc đấu giá và UBND xã, phường, thị trấn nơi có bất động sản đấu giá chậm nhất là 15 ngày trước ngày mở cuộc đấu giá.

Ngoài quy định về niêm yết, Điều 57 của Dự thảo Luật quy định về việc đăng tải thông tin. Đối với tài sản đấu giá là động sản có giá khởi điểm từ 51 triệu đồng trở lên và bất động sản thì tổ chức đấu giá phải thông báo công khai ít nhất hai lần liên tiếp trên báo in hoặc báo hình của Trung ương hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có tài sản đấu giá và trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản; mỗi lần thông báo công khai cách nhau ít nhất 1 ngày làm việc. Trong trường hợp đấu giá theo thủ tục rút gọn thì tổ chức đấu giá tài sản thông báo công khai một lần việc đấu giá trên báo in hoặc báo hình của Trung ương hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có tài sản đấu giá.

Việc thông báo công khai quy định được thực hiện đồng thời với việc niêm yết đấu giá tài sản. 

Cần quy định rõ ràng

Để hạn chế tiêu cực trong đấu giá tài sản, đặc biệt là tài sản nhà nước, việc công bố thông tin một cách công khai, minh bạch là hết sức quan trọng.
Về vấn đề niêm yết, thông báo công khai bán đấu giá tài sản, Dự thảo Luật quy định: “Đối với tài sản là bất động sản thì tổ chức đấu giá tài sản phải niêm yết việc đấu giá tài sản tại trụ sở của tổ chức đấu giá tài sản, nơi có bất động sản, nơi thực hiện việc đấu giá tài sản và UBND xã, phường, thị trấn nơi có bất động sản đấu giá chậm nhất là 15 ngày trước ngày mở cuộc đấu giá”. Ông Lê Kim Chinh, Phó Trưởng phòng Văn bản quy phạm pháp luật thuộc Sở Tư pháp Bình Định cho rằng, quy định này là không phù hợp với thực tiễn, không đảm bảo tính khả thi. Vì trên thực tế việc niêm yết các loại tài sản bán đấu giá như bán đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản thi hành án thì các đấu giá viên, tổ chức bán đấu giá tài sản không thể niêm yết tại nơi có bất động sản (nhà, đất) của người có tài sản phải bán đấu giá được, vì những đối tượng này không có thiện chí phối hợp, thậm chí có hành vi cản trở, chống đối. Qua quá trình thực hiện đã gặp nhiều vướng mắc nên một số trường hợp vụ việc bán đấu giá bị hủy vì vi phạm thủ tục này. Mặt khác, bản chất và mục đích của việc niêm yết tài sản bán đấu giá là nhằm công khai để người dân được biết và được thấy tài sản đang rao bán và trên thực tế, người dân chủ yếu theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng; vì vậy, nên bỏ quy định việc niêm yết tại nơi có bất động sản.

Liên quan đến thông tin đăng báo, ông Chinh cho biết thêm, nếu Dự thảo quy định “khi đấu giá tài sản tổ chức đấu giá phải thông báo công khai ít nhất hai lần liên tiếp trên báo in hoặc báo hình của Trung ương hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có tài sản đấu giá và trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản”, khi triển khai thực tế sẽ có bất cập. Đó là, tổ chức hành nghề bán đấu giá tài sản có thể lợi dụng quy định không rõ ràng này, không thông báo rộng rãi nhằm mục đích khép kín thông tin về tài sản bán đấu giá. Nếu chỉ đăng báo tại địa phương sẽ hạn chế cơ hội tiếp cận cuộc đấu giá của các địa phương khác trên cả nước. Tuy nhiên, nếu quy định tất cả đăng tại báo Trung ương thì có thể khiến phát sinh chi phí cho tổ chức đấu giá. Do đó, cần có quy định rõ đối với tài sản giá trị như thế nào thì được đăng tại báo địa phương, tài sản giá trị bao nhiêu thì phải đăng tại báo Trung ương.

Theo ông Trần Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ BĐGTS Vĩnh Phúc, để hạn chế tiêu cực trong đấu giá tài sản, đặc biệt là tài sản nhà nước, việc công bố thông tin một cách công khai, minh bạch là hết sức quan trọng. Từ giá khởi điểm đến kết quả đấu giá phải được công bố rộng rãi trên báo ngày của Trung ương nhằm bảo đảm cơ hội tham gia đấu giá của người dân cũng như sự giám sát của các cơ quan chức năng và công chúng. Ông Huy cho biết thêm, để hạn chế tiêu cực do có sự móc ngoặc của chủ tài sản là cơ quan hoặc doanh nghiệp có vốn nhà nước với các tổ chức đấu giá dẫn tới thất thoát tài sản nhà nước, bên cạnh việc công bố thông tin công khai cần có cơ quan giám sát độc lập. Bên cạnh đó, cần kiểm soát chặt khâu định giá để đưa ra giá khởi điểm phù hợp trước khi tiến hành đấu giá.

Chuyên đề