Tranh chấp tại chung cư tại TP.HCM gia tăng và diễn biến phức tạp

(BĐT) - Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, tranh chấp tại chung cư hiện đang có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp.
TP.HCM hiện có khoảng 1.000 chung cư, trong đó có khoảng hơn 100 chung cư có phát sinh tranh chấp. Ảnh: Ngô Ngãi
TP.HCM hiện có khoảng 1.000 chung cư, trong đó có khoảng hơn 100 chung cư có phát sinh tranh chấp. Ảnh: Ngô Ngãi

Trong báo cáo một số quan ngại về thị trường bất động sản TP.HCM năm 2019 vừa gửi Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan chức năng mới đây, HoREA cho hay, TP.HCM hiện có khoảng 1.000 chung cư, trong đó có khoảng hơn 100 chung cư có phát sinh tranh chấp.

Đáng lưu ý, có 34 chung cư xảy ra tranh chấp đến mức Sở Xây dựng TP.HCM phải thụ lý giải quyết, trong đó có hơn 10 chung cư có tranh chấp gay gắt.

Việc tranh chấp chủ yếu xoay quanh các nội dung như: bàn giao, quản lý, sử dụng quỹ bảo trì chung cư, quỹ thu phí quản lý vận hành chung cư; sở hữu chung, sở hữu riêng; chất lượng công trình; quản lý, khai thác, kinh doanh bãi giữ xe, các không gian có thể sinh lợi, phòng sinh hoạt cộng đồng; an toàn phòng cháy chữa cháy; đại hội chung cư, hội nghị chung cư bầu ban quản trị chung cư và chất lượng hoạt động của ban quản trị...

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nhận định, tranh chấp chung cư có xu hướng gia tăng và tính chất ngày càng phức tạp, gay gắt hơn do tốc độ đô thị hóa ngày càng cao càng đòi hỏi phát triển nhiều chung cư cao tầng và một bộ phận lớn cư dân lựa chọn sống trong chung cư.

“Bên cạnh đó, có những phần tử xấu trong xã hội tìm cách chui vào các Ban quản trị chung cư nhằm mục đích trục lợi. Do vậy, cần hết sức quan tâm xử lý không để tranh chấp chung cư trở thành điểm nóng năm 2019”, ông Châu nhấn mạnh.

Để hạn chế tình trạng này, việc nâng cao vai trò của các chủ đầu tư dự án chung cư là hết sức quan trọng.

HoREA cho biết, thực tế đa số chủ đầu tư có uy tín thương hiệu đều thể hiện trách nhiệm trong công tác quản lý chung cư sau khi bàn giao nhà cho khách hàng. Nhiều chủ đầu tư phải bù lỗ hàng trăm triệu đồng mỗi tháng để duy tu, bảo dưỡng, bảo trì, vận hành, PCCC chung cư.

Bởi lẽ, các chủ đầu tư này đều mong muốn khẳng định vai trò của mình trong công tác quản lý, vận hành chung cư sau khi đưa vào sử dụng.

Tuy nhiên, cá biệt cũng có những chủ đầu tư thiếu trách nhiệm, kém năng lực đã làm tổn hại đến quyền và lợi ích của cư dân chung cư.

Do vậy, việc hoàn thiện Quy chế quản lý chung cư theo quy định của Bộ Xây dựng là hết sức cần thiết để góp phần giải quyết tranh chấp tại chung cư và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống.

Ngoài ra, để giải quyết tranh chấp tại chung cư, HoREA đề nghị sửa đổi, bổ sung Thông tư 02/2016/TT-BXD ngày 15/02/2016 và Thông tư 28/2016/TT-BXD ngày 15/12/2016 của Bộ Xây dựng về Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư.

Cụ thể, tổ chức đại hội chung cư, hội nghị chung cư bầu Ban quản trị có năng lực, có trách nhiệm đối với cư dân chung cư. Cần quy định chủ tài khoản của Ban quản trị chung cư phải có tối thiểu 2 người trong Ban quản trị. Kiên quyết thực hiện cưỡng chế bàn giao quỹ bảo trì chung cư theo quy định của pháp luật.

Cùng với việc đã quy định UBND cấp phường tham gia hoặc tổ chức đại hội chung cư, hội nghị chung cư bất thường, cần bổ sung quy định UBND cấp phường tham gia hội nghị nhà chung cư thường niên, và có trách nhiệm hòa giải hoặc giải quyết ban đầu các tranh chấp xảy ra tại chung cư, để nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp phường trên địa bàn.

Mặt khác, nên sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện mẫu "Nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư" đảm bảo các nguyên tắc thỏa thuận tự nguyện, bàn bạc dân chủ và tự giác chấp hành theo tinh thần của Hương ước làng xã ngày xưa.

Chuyên đề