TP.HCM: Đất nền chưa có dấu hiệu hạ nhiệt

(BĐT) - Việc các huyện vùng ven TP.HCM như Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ hiện nay chưa đủ điều kiện để nâng cấp lên quận như chia sẻ mới đây của lãnh đạo TP.HCM đã khiến cho nhiều đầu nậu đất “vỡ mộng”, còn khách hàng thì đã bắt đầu dè dặt hơn trước, tuy nhiên giá cả vẫn chưa có dấu hiệu sụt giảm.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Trở lại các điểm nóng trong “cơn sốt ảo”

Sau buổi làm việc giữa lãnh đạo TP.HCM với đại diện các sở ngành và quận huyện góp ý sửa đổi Quyết định 33 về quy định diện tích tối thiểu được tách thửa, lãnh đạo Thành phố cho biết đã “bác” chủ trương 3 huyện Bình Chánh, Hóc Môn và Nhà Bè sẽ lên quận, phóng viên đã quay trở lại những điểm nóng trong “cơn sốt ảo” đất nền thời gian qua để tìm hiểu. Tuy không còn dùng chiêu sắp lên quận để câu khách như trước, nhưng các cò và đầu nậu đất ở những huyện vùng ven vẫn vẽ ra những viễn cảnh về phát triển hạ tầng để làm tăng thêm độ nóng của thị trường.

Dọc theo tuyến đường Phan Văn Hớn ở huyện Hóc Môn những thửa đất nông nghiệp có diện tích lớn vẫn được các cò đất tiếp thị nhiệt tình. Một cò đất cho rằng, tới đây sẽ có một con đường mở rộng song song với đường Phan Văn Hớn kéo dài từ Xa lộ Đại Hàn đến Long An nên nhiều người có tiền ở các quận khác về đây mua đất nông nghiệp lô lớn để đón đầu rất nhiều. Vì thế,  việc Hóc Môn có lên quận trong thời gian tới hay không thì giá đất vẫn tăng mạnh. Ông Năm, một khách hàng đến từ quận Tân Phú kể, cuối năm 2015 ông mua một thửa đất nông nghiệp ở khu vực này giá chưa đến 3 triệu đồng/m2. Từ cuối năm 2016 đến nay, các đầu nậu và cò liên tục gọi điện hỏi để mua lại, với giá không dưới 5 triệu/m2 nhưng ông không bán.

Xuôi về khu vực huyện Bình Chánh đặc biệt là ở hai xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B tình hình giao dịch đất nền vẫn đang trong cơn sốt, dù sự hào hứng của khách hàng không còn như trước do thông tin lên quận đã tiêu tan. Ông Thành, chủ một cơ sở cơ khí ở quận Bình Tân cho hay, cuối năm ngoái, ông định mua 4 lô đất liền kề, diện tích 4x15 mét mỗi lô, ở trong một con hẻm trên đường Nguyễn Thị Tú thuộc xã Vĩnh Lộc B để làm nhà xưởng với giá tổng cộng là 800 triệu đồng. Khoảng chưa đầy 3 tháng sau quay lại, chủ đất đã hét giá lên gấp đôi, tức 1,6 tỷ đồng. Mấy hôm nay khi quay lại thương lượng để mua vì nghĩ rằng giá đất khi không được lên quận sẽ giảm, nhưng chủ đất nhất quyết không bán.

Ở huyện Nhà Bè, sau khi có thông tin chưa lên quận, giá đất vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Có thể, do thông tin chỉ mới công bố nên người mua đã e dè hơn, nhưng phía người bán, nhất là cò đất và đầu nậu vẫn tiếp tục neo giá, thậm chí đưa ra những thông tin về phát triển hạ tầng sắp đến để đẩy giá. Ông Dân, chủ một lô đất nông nghiệp có diện tích 1.689m2, trong đó có 300m2 đất thổ cư, ở mặt tiền đường Rừng Sác, xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ đang rao bán với giá 4,5 triệu đồng/m2 cho biết, từ đầu năm đến nay giá đất ở Cần Giờ tăng rất mạnh. Theo ông Dân, người bán luôn có lý của người bán và người mua luôn có lý của người mua. Việc đất ở một số huyện vùng ven có giá ngang ngửa thậm chí thấp hơn một số tỉnh lân cận TP.HCM khiến người dân có tiền tìm về những nơi còn hoang sơ như Cần Giờ mua là dễ hiểu. Trong khi đó, những thông tin về phát triển hạ tầng sắp đến sẽ triển khai ở Cần Giờ gần đây được công bố đã làm cho khách hàng bị cuốn hút.

Giá tăng chóng mặt

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), hiện tượng "sốt giá ảo" trong phân khúc đất nền ở các quận ven như: Quận 9, Quận 12, quận Thủ Đức, quận Bình Tân và một số huyện như: Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ đã được cảnh báo từ mấy tháng nay những chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Một số khu vực phân lô đất nền ở Quận 9, quận Thủ Đức, huyện Bình Chánh đã lên đến trên dưới 20 triệu đồng/m2. Tại thị trấn Cần Thạnh, xã Long Hòa, huyện Cần Giờ có vị trí đã lên đến 10-12 triệu đồng/m2. Đất nông nghiệp một số khu vực tại huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi đã tăng đến trên dưới 50% trong 4 tháng đầu năm 2017, trong đó đất nền mặt tiền quốc lộ 22 cũng đã lên đến trên dưới 20 triệu đồng/m2.

Nhiều  chuyên gia bất động sản cho rằng, trong vòng một năm qua, giá đất nền đã tăng trên dưới 30%, cá biệt có khu vực giá tăng đến trên dưới 70% là khó chấp nhận được. Mặc dù xác định cơn "sốt giá ảo" đất nền này rất nguy hiểm, đã và đang tác động tiêu cực, làm méo mó thị trường, tiềm ẩn nhiều rủi ro, đe dọa sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường địa ốc, nhưng biện pháp ngăn chặn vẫn rất khó nên giới đầu nậu và cò đất bất chính -  “thủ phạm” trực tiếp dẫn đến "sốt giá ảo" đất nền hiện nay – vẫn có thể tiếp tục làm loạn.  

Quan sát thị trường những ngày qua cho thấy, ngoài những thông tin về siết lại quy định tách thửa, một số huyện vùng ven không được lên quận, thì những cảnh báo gần đây của các cơ quan chức năng về việc “sốt giá ảo” đã có tác động mạnh đến tâm lý của người mua. Một số cò đất ở những quận huyện vùng ven cho hay, giá cả những ngày gần đây vẫn chưa có gì thay đổi, trong khi người mua vẫn tiếp tục tìm kiếm, dù giao dịch thành công không nhiều do tâm lý dè chừng. Theo HoREA, nếu không cẩn trọng, nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp lướt sóng "theo tâm lý đám đông" có thể bị sập bẫy, bị thiệt hại nặng khi thị trường hạ nhiệt.

Mặc dù Quyết định 33 sửa đổi chưa ban hành chính thức nhưng nhiều người cho rằng quy định khống chế thửa đất từ trên 2.000m2 phải lập dự án thì đầu nậu vẫn lách được như thường. Do đó, nói như ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, điều quan trọng là phải kiểm soát được hạ tầng đúng chuẩn, khi đó dù có tách theo dạng nào vẫn đảm bảo hạ tầng đô thị, tránh nhếch nhác về sau, buộc cò và đầu nậu “muốn ăn phải lăn vô bếp”.

Tại cuộc họp ngày 18/5/2017, ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, sau khi có quyết định sửa đổi hoặc thay thế Quyết định 33, các quận huyện sẽ trên cơ sở đó quản lý cho tốt, tránh trường hợp bị lợi dụng, tạo ra các đầu nậu về đất, nền. Thực tế cho thấy, giới cò và đầu nậu luôn lắm trò, nhiều chiêu nên dù “vỡ mộng” việc lên quận đối với các huyện vùng ven thì họ vẫn còn có thể tung ra những “cước” khác để “thuốc” khách. Cho nên, việc người mua cần tỉnh táo là quan trọng hơn cả.

Chuyên đề