TP.HCM: Chuyển nhượng dự án bất động sản đang bị tắc nghẽn

(BĐT) - Chuyển nhượng dự án bất động sản là hoạt động kinh doanh bình thường theo nhu cầu của các doanh nghiệp, nhưng trên thực tế việc chuyển nhượng này ở TP.HCM hiện đang rất khó khăn.
Chỉ có 6/15 hồ sơ chuyển nhượng dự án ở TP.HCM được chấp thuận trong 6 tháng đầu năm 2018. Ảnh Internet
Chỉ có 6/15 hồ sơ chuyển nhượng dự án ở TP.HCM được chấp thuận trong 6 tháng đầu năm 2018. Ảnh Internet

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhận định, hiện nay nhu cầu chuyển nhượng dự án rất lớn, trong đó có nhiều dự án đã được thế chấp làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay tín dụng, kể cả các khoản nợ xấu ngân hàng.

Theo quy định pháp luật, chủ đầu tư phải giải phóng mặt bằng và có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì mới được chuyển nhượng dự án. Vì thế việc chuyển nhượng dự án đang gặp quá nhiều trở ngại.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, chính “điểm nghẽn” này đã “ngáng chân” những nhà đầu tư mới có năng lực thay thế chủ đầu tư cũ để khởi động lại các dự án đã bị ngừng triển khai, cũng như chưa tạo được sự thông thoáng trong thị trường chuyển nhượng dự án, và có thêm nguồn thu thuế cho ngân sách nhà nước.

Việc chỉ có 6/15 hồ sơ chuyển nhượng dự án ở TP.HCM được chấp thuận trong 6 tháng đầu năm 2018 cho thấy “điểm nghẽn” này đang trở nên phức tạp. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến thực trạng đã có hơn 500 dự án bị thu hồi chủ trương đầu tư, bị "đắp chiếu, trùm mền", là "hàng dự án" tồn kho, nhưng chưa đủ điều kiện chuyển nhượng.

Một vấn đề nan giải không kém khác đó chính là công tác giải phóng mặt bằng, do doanh nghiệp khó đạt được thỏa thuận với tất cả người sử dụng đất, nên dự án dễ bị rơi vào tình trạng dở dang "da beo" không triển khai được.

Một chủ đầu tư than phiền, mỗi khi vướng vào vấn đề này, cũng đồng nghĩa là bị chôn vốn kéo dài, không có quỹ đất để đủ điều kiện được công nhận chủ đầu tư dự án, nên đã điêu đứng càng thêm điêu đứng.

Đây cũng là một nguyên nhân làm giảm các dự án bất động sản trung cấp và bình dân, ngoại trừ các dự án bất động sản cao cấp ít bị ảnh hưởng do các chủ đầu tư đã chuẩn bị sẵn quỹ đất và nguồn lực tài chính từ các năm trước. 

Ngoài những ách tắc như trên, hiện tiền sử dụng đất cũng là một nguyên nhân gây ách tắc dự án do chưa đủ điều kiện để triển khai tiếp.

HoREA cho hay, theo phương thức và quy trình tính tiền sử dụng đất hiện nay thì tiền sử dụng đất vẫn là "ẩn số", là "gánh nặng" và tạo ra cơ chế "xin - cho". Chính điều này làm cho quá trình tính tiền sử dụng đất dự án bị kéo dài gây khó khăn, thiệt hại cho doanh nghiệp và làm thất thu ngân sách nhà nước do tình trạng "cưa đôi, cưa ba".

Mặc dù TP.HCM đã thay đổi cơ chế hoạt động của Hội đồng thẩm định giá đất Thành phố kể từ cuối tháng 12/2017, nhưng hiện vẫn còn vướng mắc trong giai đoạn thụ lý hồ sơ trước khi "đủ điều kiện" trình ra Hội đồng.   

Trong lúc nguồn cung quỹ đất dự án thông qua việc chủ đầu tư bồi thường giải phóng mặt bằng gặp khó khăn, thì thị trường đang kỳ vọng vào nguồn cung thông qua kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng 26.000 ha đất nông nghiệp, trong đó có khoảng 2.200 ha đất ở.

Đặc biệt, kế hoạch đấu thầu 127 dự án hạ tầng, đô thị của TP.HCM và kế hoạch của VAMC thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu, trong đó nhiều khoản nợ được bảo đảm bằng dự án bất động sản, đang hứa hẹn thúc đẩy thị trường mua bán chuyển nhượng dự án phát triển mạnh hơn.

“Thị trường bất động sản sẽ có sự phát triển khởi sắc hơn trong những tháng cuối năm, vì đây cũng là lúc cao điểm của thị trường bất động sản. Nhưng nói gì thì nói, vấn đề căn cơ nhất là những quy định chồng chéo, mâu thuẫn, bất cập của hệ thống pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng điều chỉnh thị trường bất động sản cần sớm được khắc phục”, ông Lê Hoàng Châu chia sẻ.

Chuyên đề