Thấy gì từ các siêu dự án của “chúa đảo” Tuần Châu ở Sài Gòn?

(BĐT) - Việc xin đầu tư các siêu dự án của Tập đoàn Tuần Châu – Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh đã được Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng chấp thuận về mặt chủ trương. Tuy nhiên, một câu hỏi đang được nhiều người quan tâm là, Tập đoàn Tuần Châu sẽ thu lại gì nếu sau khi dốc hầu bao để làm những dự án đó?
Dự án di dời “chợ tử thần” Kim Biên là 1 trong các DA do Tập đoàn Tuần Châu đầu tư. Ảnh: internet
Dự án di dời “chợ tử thần” Kim Biên là 1 trong các DA do Tập đoàn Tuần Châu đầu tư. Ảnh: internet

Tổng vốn đầu tư lên đến 65.000 tỷ đồng

Trong một văn bản gửi đến Thường trực Thành thủy và Thường trực UBND TP.HCM vào hồi đầu tháng 2/2017, Tập đoàn Tuần Châu cho biết, tổng vốn đầu tư cho các dự án: Sài Gòn Marina tại Cần Giờ; dự án Sài Gòn New City và hồ điều hòa nước tại Củ Chi; dự án Đại lộ ven sông Sài Gòn; dự án di dời “chợ tử thần” Kim Biên ước tính có tổng giá trị đầu tư lên đến 65.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn tự có của doanh nghiệp là 50%. Ngoài ra, đồng hành với chủ đầu tư sẽ có các tập đoàn, công ty, tổ chức tài chính trong và ngoài nước.

Nếu được chấp thuận, Tập đoàn Tuần Châu cam kết, thời gian hoàn thành dự án là 4 năm kể từ khi hoàn tất thủ tục pháp lý và mặt bằng sạch được bàn giao. Cụ thể, 18 tháng sẽ cơ bản hoàn tất việc san lấp tạo mặt bằng và mở cửa giai đoạn 1 đối với dự án Sài Gòn Marina; cơ bản xong phần thô đường ven sông từ Củ Chi về cầu Phạm Văn Đồng; hoàn thành một số đoạn khoảng 40% cầu cạn; san lấp và đào xong phần thô của hồ điều hòa nước, san lấp và đầu tư các đường xương cá cho khu đô thị thông minh nối Đại lộ ven sông Sài Gòn – dự án Sài Gòn New City.

Đối với dự án Sài Gòn Marina City, địa điểm là tại bãi biển Cần Giờ, có tổng diện tích 1.430 ha, giáp ranh với dự án của Tập đoàn Vingroup. Riêng dự án Sài Gòn New City và hồ điều hòa nước tại Củ Chi, có diện tích gấp 15 lần dự án Phú Mỹ Hưng và Thủ Thiêm cộng lại. Còn dự án Đại lộ ven sông Sài Gòn có lý trình từ ngã 3 Nguyễn Huệ - Tôn Đức Thắng, quận 1 đến cầu Bến Súc, huyện Củ Chi với tổng chiều dài xấp xỉ 59 km. Đặc biệt, dự án di dời “chợ tử thần” Kim Biên, Tập đoàn Tuần Châu xin phép đầu tư xây dựng trung tâm kinh doanh hương liệu, hóa chất mới đạt quy mô tầm cỡ khu vực trên khu đất có diện tích khoảng 20 ha tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP.HCM.

Xin áp dụng cơ chế đặc thù

Theo kiến nghị của Tập đoàn Tuần Châu, hình thức thực hiện các dự án trên sẽ áp dụng theo phương thức BT. Cơ sở để thực hiện các phương thức trên là căn cứ theo Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư dưới hình thức đối tác công tư. Cụ thể, giá trị đầu tư dự án Đại lộ ven sông Sài Gòn sẽ được TP.HCM hoàn trả đất theo giá trị tương ứng tại 2 dự án Sài Gòn Marina City tại Cần Giờ và Sài Gòn New City tại Củ Chi và một số mặt bằng khác trong Thành phố.

Vẫn theo tập đoàn này, các dự án trên xin được áp dụng cơ chế đặc biệt trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án; xin được áp dụng ưu đãi tối ưu theo luật pháp cho phép. “Sau khi nhận được chủ trương của Thành phố, chúng tôi sẽ thành lập 3 doanh nghiệp mới tại Thành phố để thực hiện các dự án trên, gồm: doanh nghiệp đầu tư dự án Sài Gòn Marina City tại Cần Giờ; doanh nghiệp đầu tư dự án Sài Gòn New City tại Củ Chi, hồ điều hòa và Đại lộ ven sông Sài Gòn; doanh nghiệp đầu tư và quản lý chợ hóa chất Kim Biên mới”, ông Đào Hồng Tuyển, “chúa đảo” Tuần Châu cam kết.

Theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, ngoài việc chấp thuận chủ trương cho Tập đoàn Tuần Châu – Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh tiếp tục hoàn thiện đề án, hoàn thiện đề xuất các dự án nêu trên, ông Đinh La Thăng còn giao UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông Vận tải, Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các sở, ngành liên quan tích cực hỗ trợ, xem xét hướng dẫn Tập đoàn Tuần Châu lập đề xuất dự án. Trong tháng 3/2017, các đơn vị nói trên phải hoàn thành việc tham mưu đề xuất cho UBND Thành phố, để UBND Thành phố báo cáo Thường trực Thành ủy và Ban Thường vụ Thành ủy quyết định.

Chuyên đề