Phức tạp điều kiện kinh doanh xây dựng

(BĐT) - Sau khi cắt giảm hàng trăm điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực công thương, giao thông vận tải, tại thời điểm này, các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng đang được đưa ra phân tích, mổ xẻ. Có không ít điều kiện đang làm khó doanh nghiệp (DN), nhà thầu.
Các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng phức tạp gây khó khăn cho chủ đầu tư, nhà thầu. Ảnh: Lê Tiên
Các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng phức tạp gây khó khăn cho chủ đầu tư, nhà thầu. Ảnh: Lê Tiên

Từ điều kiện cấp chứng chỉ...

Hàng trăm DN, nhà thầu xây dựng tại nhiều địa phương cho biết, họ đang gặp rất nhiều khó khăn trước quy định về điều kiện cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng cho DN và cho kỹ sư ngành xây dựng. Chứng chỉ này được cấp thông qua sát hạch tại cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Xây dựng hoặc Sở Xây dựng. Nó quyết định năng lực của nhà thầu được phép tham gia đấu thầu, triển khai các dự án xây dựng loại nào.

Theo yêu cầu, để được cấp chứng chỉ, DN phải bảo đảm có đủ số lượng kỹ sư có hợp đồng lao động dài hạn theo quy định, kỹ sư còn phải có chứng chỉ hành nghề xây dựng và được nhà thầu đóng bảo hiểm. Theo các DN, yêu cầu này là không thoả đáng vì theo quy định, các DN xây dựng được phép thuê chuyên gia bên ngoài trong quá trình triển khai dự án.

Với yêu cầu nêu trên, theo tính toán của ông Vũ Tiến Thành, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Betexco (Hà Nam), thì để DN được cấp chứng chỉ hạng III, với 3 chuyên ngành thì cần đến 24 kỹ sư. Để bảo đảm điều kiện được cấp chứng chỉ, mỗi tháng, Công ty còn phải chi trả lương và đóng bảo hiểm xã hội cho 24 nhân sự này với gần 150 triệu đồng.

Bên cạnh đó, theo ông Thành, các điều kiện phải có nhân lực, thiết bị bảo đảm yêu cầu mới được cấp chứng chỉ có thể làm DN yếu đi, do không tận dụng được nguồn lực là các chuyên gia hoặc công nghệ tiên tiến. Các DN mới cũng sẽ bị ảnh hưởng vì không có điều kiện tham gia một cách cạnh tranh vào các dự án.

Một số nhà thầu cho rằng, những tiêu chí, điều kiện mà chứng chỉ này yêu cầu không phản ánh bản chất năng lực của một DN, tuy nhiên để không vi phạm Luật Xây dựng, DN buộc phải có. 

... đến thủ tục phức tạp

Cuối năm 2017, Bộ Xây dựng đã đề xuất sửa đổi các luật trong lĩnh vực xây dựng, gồm Luật Xây dựng năm 2014, Luật Nhà ở năm 2014, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 và Luật Quy hoạch đô thị năm 2009. Cùng với đó, cơ quan này cũng xây dựng dự thảo nghị định nhằm cắt bỏ nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN hoạt động trong lĩnh vực này. Dù được đánh giá là đã có những khởi động tích cực, song theo các DN, vẫn còn nhiều vấn đề ngành xây dựng cần phải cải cách mạnh mẽ hơn để tạo môi trường đầu tư thông thoáng trong lĩnh vực này.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam dẫn chứng, thủ tục thẩm định thiết kế một dự án đầu tư xây dựng hiện còn khá phức tạp và khó khăn. Cụ thể, 3 khâu phê duyệt thiết kế, phòng cháy chữa cháy, môi trường thuộc về 3 cơ quan khác nhau và chủ đầu tư phải tự thực hiện từng khâu này. “Việc chủ đầu tư phải làm việc với 3 cơ quan độc lập không khác gì việc phải xin 3 chiếc giấy phép con”, ông Hiệp nhận định.

Riêng trong lĩnh vực quảng cáo, thủ tục cấp phép xây dựng còn được phản ánh là nhiêu khê hơn gấp nhiều lần. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, các luật quy định tới 8 loại giấy phép cần thiết để xây dựng một công trình quảng cáo, trong đó riêng giấy phép xây dựng có 5 loại. Với mỗi loại giấy phép đó lại chia nhỏ ra nhiều thành phần. Vì vậy, nếu thống kê chi tiết thì phải có tới 20 loại giấy phép để được cấp phép xây dựng một biển quảng cáo.

Nhiều chuyên gia cho rằng, các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng phức tạp đang gây khó khăn cho chủ đầu tư, nhà thầu. Liên quan đến những hoạt động đầu tư xây dựng, riêng Bộ Xây dựng là cơ quan soạn thảo và chỉ đạo, theo dõi thực hiện 4 luật: Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản. Còn Bộ Tài nguyên và Môi trường soạn thảo, chỉ đạo và theo dõi thực hiện Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường; Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo và chỉ đạo, theo dõi thực hiện Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công; Bộ Công an chỉ đạo về phòng cháy chữa cháy…

“Sự chồng chéo của pháp luật có thể nói là rào cản lớn nhất trong cải tiến thủ tục của công tác đầu tư xây dựng. Tiếp xúc với nhà đầu tư nước ngoài, nhiều người nói rằng họ như lạc vào mê hồn trận khi có khoảng một chục luật đang chi phối hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản, nhưng thiếu nhất quán, chồng chéo nhau”, ông Nguyễn Quốc Hiệp cho biết.

Chuyên đề