Nhà phố và biệt thự xây sẵn: Nguồn cung ít, sức hút cao

(BĐT) - Tuy phân khúc nhà phố và biệt thự tại TP.HCM tăng nhẹ cả cung và cầu so với quý trước, nhưng nhìn chung tình trạng khan hàng vẫn liên tục xảy ra do sức hút khá cao, nguồn cung mới chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
Nhà phố và biệt thự xây sẵn: Nguồn cung ít, sức hút cao

Ghi nhận từ thị trường cho thấy, trong quý I/2019 tại TP.HCM chỉ có vỏn vẹn 3 dự án đáng chú ý của phân khúc nhà phố và biệt thự được mở bán, trong đó có 1 dự án mới và 2 giai đoạn tiếp theo của dự án trước đó, cung cấp ra thị trường 183 căn, bằng khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước. Sự khan hiếm nguồn cung mới trên thị trường nhà phố và biệt thự xây sẵn tại TP.HCM không phải bây giờ mới bộc lộ mà đã diễn ra từ vài năm trước. Tuy có sự tăng trưởng nhẹ cả cung và cầu so với quý IV/2018, nhưng nếu so sánh với cùng kỳ năm ngoái thì sự sụt giảm vẫn tiếp tục được duy trì.

Với tốc độ tăng trưởng nguồn cung lũy kế của thị trường tại TP.HCM tính đến quý I/2019 chỉ đạt khoảng 2%, dự báo trong quý II/2019, nguồn cung của phân khúc nhà phố và biệt thự không có nhiều biến động, dao động ở mức 200 - 300 căn. Cũng cần nhấn mạnh thêm, trong quý I/2019, nguồn cung chủ yếu tập trung ở khu Đông với các quận như Quận 9, Quận 2 (chiếm 61%), 39% còn lại thuộc về khu Bắc. Tỷ lệ hấp thụ dự án mới ở khu Đông là 77%, khu Bắc chỉ 49%. Hiện khu Đông, khu Nam chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn cung và sức cầu.

Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao của CBRE cho hay, giá bán trên thị trường thứ cấp của các dự án nói trên khoảng 3.423 USD/m2 đối với nhà phố và 4.671 USD/m2 đối với biệt thự, tăng lần lượt 37% và 22% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung toàn thị trường, tỷ lệ bán lũy kế đã gia tăng đáng kể lên mức gần 96% trong quý I/2019. Lượng hàng tồn giảm mạnh trong khi nguồn cung mới chưa đáp ứng đủ nhu cầu đã đẩy giá bán thứ cấp tiếp tục tăng. Cụ thể, giá bán biệt thự và nhà phố xây sẵn quý I/2019 đã tăng lần lượt 12% và 16% so với quý trước.

Theo dự báo của Công ty nghiên cứu và tư vấn JLL, chỉ riêng lượng mở bán nhà liền thổ trong năm 2019 tại TP.HCM ước đạt khoảng 4.600 căn. Trong đó, các quận phía Đông dự kiến tiếp tục đứng đầu thị trường với các dự án chủ chốt có quy mô lớn như Vincity, Senturia Rạch Chiếc và Simcity giai đoạn 2. Tương tự như thị trường căn hộ, lượng mở bán dự kiến nói trên có thể biến động khá mạnh do những rủi ro chính sách khó tiên đoán liên quan đến quy trình cấp phép xây dựng. Đặc biệt, người mua có xu hướng chuyển dịch đầu tư từ căn hộ cao cấp sang sản phẩm nhà liền thổ do thu lợi nhuận tốt hơn trong khi quy mô đầu tư tương đương.

Trong khi nguồn cung mới tại TP.HCM đang suy giảm vì quỹ đất ngày càng hạn hẹp thì các thị trường vùng ven như Bình Dương, Đồng Nai và Long An đang thu hút được nhiều sự chú ý của người mua lẫn các nhà phát triển BĐS khi giá chào bán vẫn còn tương đối rẻ, nguồn cung lại phát triển nhanh chóng và dồi dào. Các cơn sốt đất cục bộ đầu năm tại một số khu vực của tỉnh Đồng Nai như Nhơn Trạch, Long Thành lẫn Quận 9, Quận 12, huyện Bình Chánh của TP.HCM đã cho thấy sự chuyển dịch trọng tâm ngày càng rõ nét của thị trường.

Theo ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Phát triển của DKRA Vietnam, từ giữa năm 2018, sự chững lại của thị trường TP.HCM đã góp phần tăng nhiệt cho các tỉnh giáp ranh TP.HCM như Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu… và xa hơn là Bình Thuận. Sự tăng nhiệt bắt đầu lan đến phân khúc nhà phố và biệt thự với sự xuất hiện của nhiều dự án quy mô lớn, được quy hoạch bài bản. Các thông tin khả quan về đầu tư hạ tầng giao thông kết nối TP.HCM với các tỉnh lân cận đang là đòn bẩy tăng giá chính cho các khu vực nói trên. Cùng với đó, mặt bằng giá bán rẻ hơn khu vực TP.HCM cộng với nguồn cung sản phẩm đa dạng tạo nên ưu thế lớn cho các thị trường mới nổi này.

Chuyên đề