Năm 2017, TP.HCM có 92 dự án nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện huy động vốn

(BĐT) - Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, trong năm 2017, thị trường nhà ở thương mại của TP.HCM đã có 92 dự án nhà ở hình thành trong tương lai được Sở Xây dựng xác nhận đủ điều kiện huy động vốn, với tổng số 42.991 căn nhà, trong đó có 37.502 căn hộ chung cư, 5.489 căn nhà thấp tầng, với tổng giá trị cần huy động vốn lên đến 86.421 tỷ đồng.
HoREA cho biết, trong năm 2017, thị trường nhà ở thương mại của TP.HCM đã có 92 dự án nhà ở hình thành trong tương lai được Sở Xây dựng xác nhận đủ điều kiện huy động vốn. Ảnh: Tường Lâm
HoREA cho biết, trong năm 2017, thị trường nhà ở thương mại của TP.HCM đã có 92 dự án nhà ở hình thành trong tương lai được Sở Xây dựng xác nhận đủ điều kiện huy động vốn. Ảnh: Tường Lâm

Số liệu trên, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, là chưa bao gồm các dự án hoàn thành xây dựng nhà rồi mới bán, và cũng chưa bao gồm các khu đất phân lô tách thửa, bán nền nhà; tập trung nhiều hơn ở khu vực phía Đông (Quận 2, Quận 9, Quận Thủ Đức), phía Nam (Quận 7, huyện Nhà Bè, Quận 8, Quận Bình Tân).

Trong tổng số 42.991 căn nhà nói trên, phân khúc cao cấp có 10.987 căn, chiếm tỷ lệ 25,5%, tăng 3.747 căn, tương đương 22,9% so với năm 2016; phân khúc trung cấp có 19.509 căn, chiếm tỷ lệ 45,5% tăng 1.081 căn, tương đương 16,4% so với năm 2016; phân khúc bình dân có 12.495 căn, chiếm tỷ lệ 29,1%, tăng 5.026 căn, tương đương 67,3% so với năm 2016.

“Như vậy, tỷ lệ căn hộ có giá vừa túi tiền, vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất đến 74% trong tổng số căn hộ đưa ra thị trường trong năm 2017 tương tự như năm 2016. Đây là tín hiệu đáng mừng vì các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đã có sự tái cơ cấu sản phẩm mạnh mẽ theo hướng tăng mạnh sản phẩm căn hộ quy mô vừa và nhỏ, 1-2 phòng ngủ”, ông Châu nhận định.

Tuy nhiên, tỷ lệ căn hộ bình dân chỉ có 12.495 căn, chiếm 29,1% vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, lực lượng vũ trang, công nhân lao động, sinh viên, người thu nhập thấp đô thị và người nhập cư.

Một tín hiệu lạc quan là, thị trường bất động sản đã có sự chuyển hướng quan trọng sang đầu tư bất động sản xanh, hình thành những khu vực ở có không gian sống với nhiều cây xanh, mặt nước, thân thiện môi trường, có nhiều tiện ích, dịch vụ, sử dụng thiết bị thông minh, tiết kiệm điện, nước, sử dụng năng lượng tái tạo.

Điển hình có Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Khu đô thị Sala, đặc biệt, dự án Ehome 5 (Công ty Nam Long) đạt chứng chỉ xanh Edge của IFC; dự án Làng Sen; Diamond Lotus Riverside (Công ty Phúc Khang) xây dựng theo tiêu chuẩn xanh Leed Hoa Kỳ, Lotus Việt Nam...  

Theo HoREA, nhìn tổng thể năm 2017, thị trường bất động sản tiếp tục phục hồi và tăng trưởng trở lại, mức tăng khoảng 4,07% so với năm 2016, đóng góp 0,21% trong tổng mức tăng trưởng GDP của cả nước.

Song, tình trạng thiếu cân đối sản phẩm nhà ở, lệch pha cung - cầu, thiếu nguồn cung nhà ở xã hội, căn hộ nhà ở thương mại loại vừa và nhỏ, có 1-2 phòng ngủ, có giá bán khoảng trên dưới 1 tỷ đồng trong năm 2017 đang tiềm ẩn một số nhân tố có khả năng tạo ra bất ổn và rủi ro trong thời gian tới.

Trong khi đó, phân khúc bất động sản cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp có dấu hiệu cung vượt cầu; nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng và nguồn vốn xã hội đổ vào thị trường bất động sản rất lớn, nhưng có xu hướng lệch vào một số doanh nghiệp lớn và vào phân khúc bất động sản cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng.

“Đó chính là những tồn tại đáng cảnh báo, cần phải có hướng xử lý kịp thời trong thời gian tới”, ông Châu nhấn mạnh.

Chuyên đề