Khu đô thị mới Hồ Nước Ngọt (Sóc Trăng) hơn 2.562 tỷ: Hai “ông lớn” trượt sơ tuyển

(BĐT) - Dự kiến trong quý III/2019, các thủ tục chỉ định thầu nhà đầu tư thực hiện Dự án Khu đô thị mới Hồ Nước Ngọt, TP. Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) sẽ được hoàn tất. Trước đó, chỉ có một nhà đầu tư trúng sơ tuyển. Hai nhà đầu tư trượt sơ tuyển  là những “ông lớn” trong lĩnh vực bất động sản.
Công ty CP Tập đoàn FLC là nhà đầu tư duy nhất trúng sơ tuyển tại Dự án Khu đô thị mới Hồ Nước Ngọt, TP. Sóc Trăng. Ảnh: Việt Tâm
Công ty CP Tập đoàn FLC là nhà đầu tư duy nhất trúng sơ tuyển tại Dự án Khu đô thị mới Hồ Nước Ngọt, TP. Sóc Trăng. Ảnh: Việt Tâm

Dự án có tổng chi phí thực hiện hơn 2.562 tỷ đồng. Diện tích sử dụng đất của Dự án là 47,13ha tại Phường 5 và Phường 6, TP. Sóc Trăng, trong đó đất công là 19,84ha, đất thu hồi là 27,32ha. Thời gian thực hiện hợp đồng là 50 năm, trong đó thời gian xây dựng và hoàn thành công trình là 3 năm (kể từ ngày có quyết định giao đất).

Trước đó, trong thời gian sơ tuyển nhà đầu tư, từ ngày 12/3 - 11/4/2019, có 3 nhà đầu tư tham dự, gồm: Liên danh Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh - Công ty TNHH Xây dựng Thương mại và Dịch vụ Hà Thuận Hùng; Công ty CP Tập đoàn FLC; Công ty CP Tập đoàn Địa ốc Cát Tường. Tuy nhiên, Công ty CP Tập đoàn FLC là nhà đầu tư duy nhất trúng sơ tuyển. Hai nhà đầu tư trượt sơ tuyển cũng là các “ông lớn” trong giới kinh doanh bất động sản.

Trong Liên danh Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh - Công ty TNHH Xây dựng Thương mại và Dịch vụ Hà Thuận Hùng, trước tiên phải nhắc đến Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh. Đất Xanh được thành lập năm 2007. Tiền thân của Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh là Công ty CP Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Đất Xanh. Đây là một đối thủ “nặng ký” trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Đất Xanh đã tự tin nhận là “nhà phân phối bất động sản số 1 Việt Nam”.

Thành viên liên danh còn lại chính là công ty con của Đất Xanh - Công ty TNHH Xây dựng Thương mại và Dịch vụ Hà Thuận Hùng - với tỷ lệ biểu quyết gần như tuyệt đối là 99,91%. Đất Xanh hiện có 31 công ty con và công ty liên kết với tỷ lệ biểu quyết trên 50%.

Theo báo cáo thường niên năm 2018, tổng tài sản của Đất Xanh lên tới 13.729 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 6.199 tỷ đồng. Doanh thu thuần là 4.645 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.178 tỷ đồng. So với năm 2017, mức tăng trưởng lần lượt là 61% và 57%. Đặc biệt, quỹ đất do Đất Xanh sở hữu trên cả nước là một con số rất ấn tượng - lên tới hơn 800ha. Từ ngày 7/12/2016 đến ngày 15/10/2018, vốn điều lệ của Công ty đã tăng phi mã, gần gấp 3 lần, từ 1.172 tỷ đồng lên đến trên 3.500 tỷ đồng. Vốn đầu tư của chủ sở hữu theo báo cáo tài chính hợp nhất ngày 31/12/2018 là hơn 6.199 tỷ đồng.

Theo thống kê của Đất Xanh, kể từ khi thành lập đến nay, Công ty có tới 39 dự án bất động sản, phủ khắp cả nước với tổng mức đầu tư là 53.000 tỷ đồng. Các dự án sắp triển khai như Opal Oceanview (Quảng Nam), Opal City Nam Hội An (Quảng Nam), Cam Ranh Conservative Urban Area (Nha Trang)... và hàng loạt dự án trên địa bàn TP.HCM (Opal Riverview, Opal Tower, Gem Premium, Gem Riverview...). Trong đó, nhiều dự án được Đất Xanh mua lại thông qua hàng loạt thương vụ M&A đình đám như: Opal Riverside; Palm City; Gem Riverside, Gem Premium...

Nhà đầu tư thứ hai trượt sơ tuyển là Công ty CP Tập đoàn Địa ốc Cát Tường (đến từ tỉnh Long An). Công ty được thành lập năm 2011. Tiền thân của Cát Tường là Công ty CP Địa ốc Cát Tường Đức Hòa.

Theo giới thiệu về hồ sơ năng lực trên website của Cát Tường, nhà đầu tư này đã có trong tay một loạt dự án bất động sản trên khắp các tỉnh thành phía Nam (TP.HCM, Long An, Bình Dương, Bình Phước...) như: Khu đô thị Tiến Hưng (năm 2018 đổi tên thành Khu đô thị phức hợp - cảnh quan Cát Tường Phú Hưng tỉnh Bình Phước (92ha), với tổng vốn đầu tư 70 triệu USD; Cát Tường Phú Hòa; Cát Tường Phú Thạnh; Cát Tường Phú Sinh 122 ha; Cát Tường Phú Nguyên; Cát Tường Phú Nam; Five Star Eco City; Cát Tường Riverview City (TP.HCM)...

Chuyên đề