Hải Phòng sắp có khu đô thị 10.000 tỷ Bắc sông Cấm

Đây được coi là một "siêu" dự án, hình thành nên kết cấu hạ tầng mới giúp Hải Phòng mở rộng và xây dựng không gian đô thị thành phố mới, giảm tải cho khu vực đô thị cũ hiện nay.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ngày 17/8, UBND TP.Hải Phòng long khởi công các công trình hạ tầng kỹ thuật dự án hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc Sông Cấm

Dự án có tổng mức đầu tư hơn gần 10.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố và các nguồn vốn hỗ trợ hợp pháp khác, với thời gian thực hiện 24 tháng.

Mục tiêu là xây dựng khu trung tâm hành chính - chính trị TP Hải Phòng trở thành đại đô thị năng động, thịnh vượng bậc nhất phía Bắc Việt Nam; có kết cấu giao thông, cấp thoát nước, năng lượng, chiếu sáng đô thị, thông tin liên lạc, cây xanh, xử lý nước thải, chất thải rắn… đồng bộ, hiện đại.

Dự án xây dựng Hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc sông Cấm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định 1131/QĐ-TTg ngày 24/6/2016, tạo ra bước đột phá trong phát triển đô thị Hải Phòng.

Theo Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị mới Bắc sông Cấm đến năm 2025, Khu đô thị Bắc Sông Cấm quy mô diện tích khoảng 324 ha, quy mô dân số khoảng 17.500 người, khu vực nghiên cứu quy hoạch nằm chủ yếu về phía bờ Bắc sông Cấm và một phần phía Nam sông Cấm trong khu vực địa giới hành chính các xã: Hoa Động, Tân Dương, Dương Quan (huyện Thủy Nguyên); phường Minh Khai (quận Hồng Bàng) và phường Máy Tơ (quận Ngô Quyền).

Dự án được quy hoạch gồm 4 khu chức năng chính theo trục Bắc - Nam và 3 khu chức năng phụ trợ. Trong đó, 4 khu chức năng chính gồm: Khu hành chính - chính trị, khu đa chức năng, khu thương mại, khu cảnh quan mặt nước. Trong đó 3 khu chức năng phụ trợ gồm: Trung tâm văn hóa, khu ở cao tầng kết hợp khu đa năng, khu Thương mại và cảnh quan mặt nước. Bố cục không gian tổng thể khu vực quy hoạch sẽ thấp dần về khu trung tâm hành chính - chính trị, tổ chức hai trục không gian chính theo hướng Bắc Nam và theo hướng Đông Tây.

Thiết kế cảnh quan đô thị dọc các trục đường chính là các công trình điểm nhấn như: các tòa nhà, các công trình kiến trúc nhỏ, điêu khắc…; hệ thống cây xanh đường phố, hệ thống các trang thiết bị biển báo, đèn đường sẽ được nghiên cứu thiết kế riêng để tạo điểm nhấn đặc trưng riêng của từng khu phố.

Bên cạnh đó, tổ chức không gian quảng trường trung tâm hài hòa với các khu vực chức năng xung quanh và đảm bảo cho các hoạt động sự kiện xã hội định kỳ và thường xuyên. Tổ chức hai hệ thống công viên ven sông là công viên ven sông Trịnh và công viên ven sông Cấm. Hai hệ thống công viên này ngoài chức năng liên kết về mặt không gian các khu vực phụ cận còn tạo ra hệ thống không gian mở của từng khu chức năng và của toàn bộ khu vực đô thị.

Về tổ chức giao thông, dự án được bố trí 01 bến tàu du lịch phía Nam khu vực phục vụ du lịch dọc sông Cấm, mở rộng tỉnh lộ 359 có lộ giới B=50,5m; đường trục chính Đông Tây và Bắc Nam có lộ giới B=90m, đường khu vực có lộ giới B=45,0m, đường phân khu vực có lộ giới B=19,5m - 36m, đường nội bộ có lộ giới B=16,5m - 22m; bố trí 4 nút giao khác mức tại các giao lộ lớn, còn lại tổ chức nút giao cùng mức.

Về tổ chức hệ thống cầu, hầm, sẽ giữ nguyên quy mô hiện hữu của Cầu Bính; xây mới cầu Hoàng Văn Thụ (kết nối đường Hoàng Văn Thụ với đường phố chính Bắc Nam) và hầm Tuynel (kết nối từ dải trung tâm thành phố với đường khu vực Bắc Nam của Khu đô thị Trung tâm Bắc sông Cấm); đồng thời bố trí 4 cầu vượt và 7 hầm chui dành cho người đi bộ; 10 bãi đỗ xe ngoài trời với tổng diện tích là 5,26 ha; 04 bãi đỗ xe ngầm với diện tích 6,73 ha…

Chuyên đề