Dự án sinh ra từ cổ phần hóa: Xu hướng tất yếu của thị trường bất động sản

(BĐT) - Thị trường địa ốc thời gian gần đây chứng kiến nhiều thương vụ hợp tác phát triển các dự án bất động sản (BĐS) được chuyển đổi từ quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp. Theo giới chuyên môn, với những lợi ích mà hình thức này mang lại, nó sẽ tiếp tục trở thành xu hướng trong thời gian tới.
Cơ sở gây ô nhiễm tại khu vực trung tâm sẽ được thay thế bằng một dự án hài hòa và phù hợp với quy hoạch
Cơ sở gây ô nhiễm tại khu vực trung tâm sẽ được thay thế bằng một dự án hài hòa và phù hợp với quy hoạch

Thời của cổ phần hóa

Thời gian vừa qua, hàng loạt dự án BĐS được chuyển đổi sau quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp liên tục xuất hiện ở các địa phương từ Bắc vào Nam.

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tính từ ngày 1/7/2014 đến ngày 30/11/2016, có 60 trường hợp doanh nghiệp nhà nước cổ phần được cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Sau khi chuyển đổi, các khu đất này được sử dụng để triển khai nhiều dự án lớn.

Đơn cử, tại Hà Nội, có 8 dự án nằm trong danh sách này thuộc về nhiều chủ đầu tư và doanh nghiệp nhà nước nằm ở các vị trí đắc địa như: 25 Vũ Ngọc Phan, 102 Trường Chinh, 36 Phạm Hùng... Ở TP. Hồ Chí Minh cũng có 5 dự án là: Cao ốc thương mại dịch vụ và căn hộ Riva Park của Công ty CP Công nghiệp Cao su miền Nam tại 504 Nguyễn Tất Thành, cao ốc Res 11 (205 Lạc Long Quân, Quận 11) của Công ty CP Địa ốc 11…

Ngoài ra, trong danh sách này còn hàng loạt dự án tại các tỉnh, thành khác như Quảng Ninh, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh…

Mới đây nhất, cái tên Văn Phú - Invest (Văn Phú) cũng được nhắc đến khá nhiều trên thị trường khi một đơn vị thành viên là Công ty CP Đầu tư Văn Phú số 2 chính thức khởi công Dự án The Terra - Hào Nam, một dự án quy mô lớn trên khu đất 83 Hào Nam (quận Đống Đa, Hà Nội) được chuyển đổi trong quá trình cổ phần hóa của Công ty In và Văn hóa phẩm.

Theo phân tích của các chuyên gia BĐS, tuy còn nhiều ý kiến trái chiều, nhưng không thể phủ nhận những tác động to lớn mà các chủ đầu tư cùng những dự án được sinh ra từ quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp mang lại. 

Việc cổ phần hóa Công ty In và Văn hóa phẩm giúp người lao động cải thiện thu nhập đáng kể

Lợi về nhiều mặt

“Lợi ích lớn nhất của các dự án này chính là việc giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các ngành nghề gây ô nhiễm tới cộng đồng, xã hội”, một vị chuyên gia nhận định.

Đơn cử như Dự án The Terra - Hào Nam nói trên. Được biết, khu đất 83 Hào Nam vốn là trụ sở của Công ty CP In và Văn hóa phẩm. “Việc triển khai Dự án The Terra - Hào Nam là thực hiện chủ trương của Chính phủ và của TP. Hà Nội trong việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu vực trung tâm đô thị”, ông Bùi Phạm Khánh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định trong Lễ khởi công Dự án.

Điều này đã được minh chứng qua thực tế vì sau khi cổ phần hóa, Công ty CP In và Văn hóa phẩm đã chuyển toàn bộ nhà máy ra khỏi khu vực dân cư trong nội thành đến khu vực được quy hoạch, trả lại môi trường sống trong lành cho người dân mà vẫn duy trì được hoạt động sản xuất ngành in. Người dân tại khu vực Hào Nam cũng không còn chịu ảnh hưởng trực tiếp về tiếng ồn, ô nhiễm không khí, môi trường… do hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty trước đây mang lại. Vì thế, việc hoàn thành nhiệm vụ di dời cơ sở sản xuất từ khu dân cư ra khu vực sản xuất công nghiệp là thành công đầu tiên của quá trình cổ phần hóa.

Ngoài ra, cái lợi dễ nhận thấy khác từ hình thức cổ phần hóa là ổn định việc làm và đời sống, tăng thu nhập cho cán bộ công nhân viên tại đơn vị đó, bởi thông thường, đây đều là những doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, hoạt động kinh doanh không khả quan.

Đơn cử như tại Công ty CP In và Văn hóa phẩm, người được hưởng lợi trước hết là người lao động, vì cho đến nay, thu nhập của gần 100 cán bộ nhân viên Công ty đã tăng gần gấp đôi so với thời điểm trước khi cổ phần hóa. Tuy doanh nghiệp này không thuộc đối tượng áp dụng các quy định về hỗ trợ cho người lao động theo Quy chế tài chính phục vụ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị, nhưng người lao động vẫn được chi trả chế độ khi có nguyện vọng thôi việc, bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người lao động trong Công ty.

Cái “được” thứ ba mà các dự án được chuyển đổi trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp mang lại là với thiết kế đồng bộ, hiện đại và có vị trí thuận lợi, sau khi được đầu tư, dự án sẽ bổ sung số lượng không nhỏ vào quỹ căn hộ, đáp ứng nhu cầu về nhà ở ngày càng lớn của người dân, đồng thời mang lại diện mạo khang trang cho khu vực. Với bề dày 15 năm kinh nghiệm phát triển BĐS, sự tận tâm trong triển khai từng khâu dự án và lợi thế từ sự dày dạn chuyên môn của đội ngũ lãnh đạo Công ty Văn Phú, The Terra - Hào Nam được giới đầu tư và khách hàng đánh giá cao về tính thẩm mỹ và chất lượng, hứa hẹn sẽ trở thành một trong những dự án thành công tiêu biểu về chuyển đổi trong quá trình cổ phần hóa. 

Cuối cùng, không phải ai khác, chính Nhà nước cũng là bên hưởng lợi. Bởi thông thường, khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất, doanh nghiệp sẽ phải trả một khoản tiền rất lớn. Vì vậy, với những công ty do Nhà nước sở hữu 100% vốn thì toàn bộ chi phí bỏ ra ấy thực chất sẽ vẫn do Nhà nước gánh chịu. Nếu tại thời điểm trước cổ phần hoá, đơn vị đó tiến hành chuyển đổi thì giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hoá sẽ tăng lên và nhà đầu tư mới là người phải thanh toán phần giá trị đó nếu muốn làm dự án.

Được biết, tại Dự án The Terra - Hào Nam, khi tiến hành chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất, chủ đầu tư đã phải nộp tiền chuyển đổi lên tới gần 400 tỷ đồng. Còn tại Dự án Cao ốc Res 11, Công ty CP Địa ốc 11 phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính với số tiền hơn 40 tỷ đồng. Với Dự án GardenGate Residence, chủ đầu tư cũng đã chi ra hơn 30 tỷ đồng tiền thuế chuyển mục đích sử dụng đất…

Những đóng góp tích cực nói trên đã khiến nhiều chuyên gia nhận định, với đà hồi phục của thị trường BĐS hiện nay, việc triển khai các dự án được chuyển đổi trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp sẽ còn diễn ra mạnh mẽ trong thời gian tới.

Chuyên đề