Dự án dải đất phía Nam đường Đại Cồ Việt: 15 năm còn dang dở

Được phê duyệt từ năm 1997 và điều chỉnh quy hoạch chi tiết từ năm 2002, nhưng đến nay, sau 15 năm, dự án Dải đất phía Nam đường Đại Cồ Việt do Công ty cổ phần Tu tạo và Phát triển nhà (Công ty Tu tạo) làm chủ đầu tư vẫn còn dang dở, khiến khoảng hơn 300 hộ dân thuộc khu dự án gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Tòa 4A gần như đã xây xong 10 năm nay, nhưng vẫn “vườn không nhà trống.
Tòa 4A gần như đã xây xong 10 năm nay, nhưng vẫn “vườn không nhà trống.

Trước đó, báo đã có loạt bài phản ánh về những tồn tại của khu nhà tái định cư 4A đường Tạ Quang Bửu, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội của Công ty Tu tạo. Qua tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, tòa nhà này thuộc Dự án đầu tư xây dựng dải đất phía Nam đường Đại Cồ Việt, quận Hai Bà Trưng.

Dự án được UBND TP. Hà Nội phê duyệt quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 4415/QĐ-UB ngày 13/11/1997. Ngày 18/4/2002, UBND Thành phố có Quyết định số 58/2002/QĐ-UB điều chỉnh lại quy hoạch chi tiết của dự án nêu rõ: “Với mục tiêu xây dựng hoàn thiện các công trình với nhiều chức năng sử dụng, bố trí dọc phía Nam đường Đại Cồ Việt, gồm khách sạn, trụ sở, văn phòng, nhà ở, căn hộ cho thuê, nhà ở có tiện nghi cao dành cho kinh doanh và một phần phía bên trong là khu dân cư hiện có được tồn tại, cải tạo chỉnh trang theo quy hoạch với hạ tầng kỹ thuật được cải tạo, nâng cấp đồng bộ, tạo thành một tuyến phố đẹp.

Dự án có tổng diện tích 60.800 m2, được chia làm 11 lô, từ I (A, B, X) đến VIII (A, B, C). Trong đó, lô II, III, IV có diện tích 8.542 m2 là dải đất nằm sát mặt đường Đại Cồ Việt, được xác định bởi các mốc giới đã cắm tại hiện trường từ năm 1993.

Chiều rộng lô đất từ 35 - 40 m, được xây dựng nhà cao tầng với khối đế cao từ 1-3 tầng, có chức năng khai thác dịch vụ công cộng, văn phòng kinh doanh. Bố trí các tháp cao tầng (từ 12 - 16 tầng). Các tầng trên xây dựng nhà ở căn hộ bán hoặc cho thuê.

Lô VIII được chia làm 3 lô, gồm VIII A, VIII B hiện là khu nhà ở được cải tạo, chỉnh trang tái định cư, đồng thời với việc cải tạo nâng cao hệ thống hạ tầng kỹ thuật của khu ở. Lô VIII C có hai phần, một phần hiện là các nhà tập thể sẽ tái định cư như hai lô trên.

Phần còn lại, hiện là trụ sở Tổ chức phát triển giáo dục vùng cao (gọi tắt là HEDO) và kho sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sẽ xây dựng mới 1 nhà ở cao tầng (từ 6 - 12 tầng). Tầng 1 và 2 xây dựng trụ văn phòng, các tầng trên phục vụ di dân tại chỗ. Thời gian thực hiện dự án từ 2002 – 2004”.

Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, 15 năm qua, dự án mới xây dựng được tòa nhà VIII C cao 16 tầng và cho dân tái định cư lên ở từ năm 2004, nhưng vẫn còn khoảng hơn 20 căn hộ hiện nay vẫn bỏ trống, vì người dân không đồng tình với việc di dân của công Công ty Tu Tạo.

Mặt khác, tòa nhà thuộc lô IV đã xây dựng 24 tầng từ 10 năm nay vẫn trong tình trạng “vườn không, nhà trống”, trong khi người dân rất cần nơi ở mới, ổn định, thì rơi vào cảnh “đi chẳng được, mà ở cũng chẳng yên”.

“Bởi nhà xuống cấp, không được tu sửa và nhiều hệ lụy khác đi kèm… Đặc biệt, đất ở không được cấp sổ đỏ, thậm chí có người đã mất còn không viết giấy thừa kế cho con cái được, bởi đất vẫn ‘vô chủ’”, ông Ninh, người dân thuộc dự án này cho biết.

Ông Nguyễn Văn Tập, Bí thư tổ 14 phường Bách Khoa cho biết: “Gần 20 năm qua, chúng tôi phải sống chung cảnh dở dang với dự án. Nhà ở từ những năm 80 của thế kỷ trước, nhưng vẫn không được cấp sổ đỏ vì liên quan đến dự án.

Mặc dù mới đây (năm 2016), Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành rà soát kiểm tra thực hiện tại dự án này, nhưng đến nay vẫn “bặt vô âm tín”, không biết chúng tôi phải đợi đến bao giờ”.

Ông Trần Tiến Dũng, Phó chủ tịch UBND phường Bách Khoa cũng cho biết, suốt thời gian qua, chính quyền phường nhận được rất nhiều đơn từ của các hộ dân phản ánh việc thực hiện dự án dải đất Nam phía Nam đường Đại Cồ Việt của Công ty Tu Tạo. Phường cũng có văn bản lên cấp trên, nhưng vẫn chưa được xử lý thỏa đáng.

Chuyên đề