Cung vượt cầu, số phận pháp lý của condotel có thay đổi năm 2018?

Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2017 và triển khai kế hoạch năm 2018 ngành xây dựng ngày 16/1, lãnh đạo Bộ Xây dựng cảnh báo nguồn cung loại hình căn hộ khách sạn (condotel) hiện còn rất nhiều, cần có biện pháp kiểm soát nguồn cung trong thời gian tới.
Cung vượt cầu, số phận pháp lý của condotel có thay đổi năm 2018?

Theo Bộ Xây dựng, riêng về bất động sản nghỉ dưỡng tính đến tháng 7/2017, đã có 77 dự án với 16.437 phòng khách sạn, 11.174 căn biệt thự, 12.056 căn condotel đã và đang được đầu tư xây dựng.

Trong đó có 4.792/16.537 phòng khách sạn được đưa vào kinh doanh; 1.484/11.174 căn biệt thự đã bán; còn 883 biệt thự và 847 căn hộ khách sạn đã xây dựng xong chưa bán.

Theo thống kê riêng của Công ty DKRA, trong năm 2017, ở phân khúc condotel, cả nước đón nhận khoảng 22 dự án mới hoặc giai đoạn tiếp theo của dự án cũ, cung cấp ra thị trường 14.741 căn, tăng 12% so với năm 2016.

Năm 2018, nguồn cung của phân khúc này dự báo sẽ tiếp tục tăng và có thể đạt khoảng 15.000-20.000 căn.Dù nguồn cung liên tục tăng, nhưng tỉ lệ tiêu thụ sản phẩm của condotel lại ngày càng đi xuống.

Báo cáo của DKRA cho thấy, tỉ lệ tiêu thụ condotel năm 2017 chỉ đạt 33% (4.821 căn), bằng 55% so với năm 2016 (8.726 căn), nhất là ở khu vực Khánh Hòa, lượng condotel bán được chỉ đạt 19% tổng số đưa ra thị trường.

Với việc có thêm hàng loạt các dự án có quy mô lớn chuẩn bị đưa ra thị trường, condotel đang xuất hiện nguy cơ dư thừa nguồn cung trong thời gian tới, đặc biệt là ở một số thị trường lớn như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc…

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cũng cho rằng, thị trường căn hộ officetel, condotel, hometel, biệt thự trong khu du lịch đang có sự phát triển rất mạnh, rất nhiều trong thời gian qua và có dấu hiệu cung vượt cầu.

Trong đó, tỷ lệ căn hộ condotel hiện chiếm khoảng 56%, cao hơn nguồn cung phòng khách sạn, resort (chỉ chiếm 44%) là không bình thường, vì thông thường ở các nước, nguồn cung căn hộ condotel thường thấp hơn nguồn cung phòng khách sạn, resort.

Để tháo gỡ vướng mắc về tình pháp lý cho condotel và officetel, Bộ Tài nguyên – Môi trường đã có tờ trình Chính phủ sửa đổi một số điều của Luật Đất đai 2013. Cụ thể, Bộ đưa 2 giải pháp cho các loại hình bất động sản này.

Giải pháp thứ nhất, là các công trình này nếu có chức năng để ở thì xác định là đất ở, thời hạn sử dụng đất của chủ dự án là 50-70 năm theo quy định.

Chủ đầu tư được chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong thời hạn hoạt động của dự án và người nhận quyền được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất ổn định lâu dài.

Giải pháp thứ hai, là vẫn giữ nguyên theo quy định của Luật Đất đai 2013, xác định là loại đất thương mại dịch vụ. Thời hạn sử dụng đất của dự án là 50-70 năm theo quy định.

Chủ đầu tư được chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong thời hạn hoạt động của dự án và người nhận quyền được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trong thời hạn dự án.

Tuy nhiên, trong văn bản gửi Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên – Môi trường nhằm đóng góp ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai 2013, HoREA cho rằng, cả hai giải pháp nêu trên của Bộ TN&MT đều bất cập và không hợp lý.

Theo HoREA, giải pháp 1 thực chất là giữ nguyên quy định hiện nay của Luật Đất đai 2013, vì Nghị định 43/2014/NĐ-CP và Nghị định 01/2017/NĐ-CP của Chính phủ đã giải quyết được vấn đề cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho các loại sản phẩm này.

Thậm chí nếu căn officetel nằm trong cùng một tòa nhà chung cư căn hộ bình thường thì cũng đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ổn định lâu dài.

Tương tự, giải pháp 2 cũng có điểm chưa thật chính xác vì nếu officetel, shophouse; condotel, nhà phố, biệt thự trong resort “có chức năng để ở thì xác định là đất ở” là chưa thật đúng. Bởi lẽ, theo Luật Đất đai thì loại đất ở khác với loại đất thương mại dịch vụ du lịch.

Từ đó, HoREA đã kiến nghị bổ sung “Đất sử dụng cho du lịch” vào “Điều 153. Đất thương mại, dịch vụ, du lịch; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp” Luật Đất đai 2013 để thống nhất quản lý.

“Đất sử dụng cho du lịch” chỉ được sử dụng cho mục đích phục vụ du lịch, nghỉ dưỡng mà thôi, không được biến tướng thành khu nhà ở của các hộ gia đình để tránh làm quá tải hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu vực.

HoREA cũng kiến nghị cho phép người mua sản phẩm condotel trong các dự án du lịch nghỉ dưỡng được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu và quyền sử dụng đất ổn định lâu dài, tương tự như quy định tại khoản 3 điều 126 Luật Đất đai 2013 đã cho phép người mua nhà ở trong các dự án nhà ở thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ổn định lâu dài…

Chuyên đề