Cách nào để giải bài toán về diện tích tại chung cư Hà Nội?

Việc diện tích căn hộ thực tế khi nhận bàn giao chênh lệch so với diện tích ghi trên hợp đồng là điều khó tránh khỏi, nhưng xử lý cách nào để vừa lòng đôi bên và giảm thiểu tranh chấp mới là điều quan trọng. Đó cũng là vướng mắc hiện giờ tại dự án Mon City Mỹ Đình do Công ty CP Đầu tư địa ốc Hải Đăng làm chủ đầu tư đang gặp phải.
Cách nào để giải bài toán về diện tích tại chung cư Hà Nội?

Cho tới thời điểm hiện tại, mâu thuẫn bùng phát suốt 2 tuần vừa qua tại dự án HD Mon City Mỹ Đình ngoài một số vấn đề phát sinh liên quan đến nhà sinh hoạt cộng đồng, phòng cháy chữa cháy và dịch vụ tòa nhà khi mới đi vào sử dụng cần thời gian để hoàn thiện, thì trọng yếu vẫn ở sự khác nhau giữa cách tính diện tích căn hộ của chủ đầu tư và của cư dân.

Trong đó, vấn đề nhức nhối nhất là cách hiểu và cách xác định diện tính logia khi tính vào diện tích chung và diện tích riêng ghi trong hợp đồng do thiếu quy định thực tế.

Trong khi Ban công được định nghĩa và quy định rất rõ về cách tính diện tích trong cả Luật Nhà ở năm 2014 và theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà ở và công trình công cộng QCVN 04-1:2015/BXD, thì trái lại "logia" lại chỉ được quy định rất chung chung là phần diện tích sở hữu riêng mà không quy định cách tính, mặc dù về cấu tạo và tính năng sử dụng của Ban công và Logia là không có gì khác nhau.

Chính vì vậy, khi tính diện tích lô gia, đơn vị đo đạc độc lập là Công ty Hà Thành do Hải Đăng thuê áp dụng theo nguyên tắc pháp luật tương tự để tính diện tích lô gia như cách tính diện tích ban công (đối với mặt giáp thiên nhiên của lô gia thì tính từ mép ngoài), thì trái ngược lại đơn vị đo đạc độc lập là Công ty CDIC do khách hàng thuê lại không tính theo cách đo đạc như vậy.

Điều này dẫn đến việc sai số trong cách tính diện tích của hai bên, sai lệch từ 1m2 đến 2m2 tại mỗi căn hộ. Tính theo giá bán dự án là trên 30 triệu đồng/m2 thì đây là căn cứ khiến các cư dân cho rằng mỗi căn hộ đã bị thiệt hại từ 30 – 70 triệu đồng/căn.

Trên thực tế, ngay khi xảy ra tranh chấp, Hải Đăng đã có công văn gửi Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng làm trọng tài cho việc xác định cách tính diện tích sử dụng căn hộ chung cư.

Tuy nhiên, do chưa có quy định của pháp luật nên cơ quan này cũng đã khẳng định thực tế việc thiết kế lô gia cũng rất đa dạng về hình thức kiến trúc, kích thước, vật liệu…do đo, thì chủ đầu tư và khách hàng phải tự thỏa thuận, thống nhất và thực hiện theo hợp đồng mua bán căn hộ đã ký giữa hai bên.

Đây chính là việc cho đến nay sau nhiều lần gặp gỡ và trao đổi giữa chủ đầu tư và cư dân vẫn chưa thể tìm ra tiếng nói chung, khi bên nào cũng đưa ra những lý do và lập luận trên các cơ sở căn cứ pháp lý và không chấp nhận ý kiến của các bên còn lại.

Đặc biệt, sự việc còn tiếp tục bị đẩy lên căng thẳng khi một số khách hàng không tìm được tiếng nói chung với chủ đầu tư về cách tính diện tích logia, đã tiếp tục "tố" chủ đầu tư ở một số vấn đề khác mà hầu hết chung cư nào cũng gặp phải khi bắt đầu đưa vào sử dụng.

Theo nhìn nhận của các chuyên gia, câu chuyện tranh chấp của HD Mon City không phải là chuyện hiếm, mà thực là điều rất khó tránh khỏi khi bắt đầu đưa vào bàn giao.

Đối với mỗi khách hàng, có thể hiểu sự bức xúc khi các dự án chung cư không chỉ là căn hộ đơn thuần mà là nơi mỗi người dân nuôi dưỡng tổ ấm của mình, họ kỳ vọng rất nhiều vào ngôi nhà đó.

Do đó, không quá khó hiểu khi họ thường nhạy cảm quá mức khi có vấn đề phát sinh tại dự án của mình. Khi họ cảm thấy rằng các nhà phát triển hoặc đơn vị quản lý không lắng nghe họ hoặc không quan tâm đến họ thì tất yếu họ sẽ không hài lòng và những tranh chấp rất dễ có thể leo thang.

Tuy nhiên, khi mâu thuẫn đẩy lên đỉnh điểm thì thiệt hại không hề nhỏ cho cả chủ đầu tư lẫn người dân. Trong khi thương hiệu của chủ đầu tư bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thì cuộc sống của các cư dân cũng trở nên rắc rối bởi mỗi ngày lên mạng là lại một lời ca thán, chê bai, phàn nàn từ người này và người kia để, rồi từ "cuộc sống mơ ước", trở thành "cuộc sống mệt mỏi" chỉ vì những vấn đề chưa thực sự rõ ràng, có đúng hay không do người khác chia sẻ và cả do những khung pháp lý chưa thực sự chặt chẽ.

Do đó, cách tốt nhất là cả chủ đầu tư và người dân cùng tìm ra "điểm mù" trong quan điểm hai bên, rồi từ đó trên cơ sở thượng tôn pháp luật, đồng thuận để giải quyết dứt điểm các vấn đề mâu thuẫn, đưa chung cư trở lại "cuộc sống trong mơ" như mong muốn ban đầu của cả 2 bên.

Đây cũng sẽ là bài học cho không chỉ riêng câu chuyện tại HD Mon City, mà sẽ là thực tế sẽ diễn ra tại nhiều chung cư cao cấp khác tại Hà Nội đang và sắp bàn giao trong thời gian sắp tới.

Chuyên đề