Bất động sản xanh: Nhọc nhằn cất bước

(BĐT) - Sau hơn 10 năm kêu gọi và thực hiện, số lượng dự án được cấp chứng nhận công trình xanh (CTX) tại Việt Nam chỉ đạt con số 60, quá ít so với 2.100 dự án tại Singapore và 750 tại Australia. 
Việc bắt buộc sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện như gạch không nung đã được quy định cụ thể trong Luật. Ảnh: Tường Lâm
Việc bắt buộc sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện như gạch không nung đã được quy định cụ thể trong Luật. Ảnh: Tường Lâm

Riêng lĩnh vực bất động sản (BĐS) chỉ có khoảng 16 dự án đã và đang “trên đường” nhận chứng chỉ CTX. Lý do nào khiến chủ đầu tư dự án BĐS vẫn ngại xây dựng dự án theo tiêu chí xanh?

Thiếu quy định cụ thể

Trong 5 năm trở lại đây, tại bất kỳ một hội thảo hay tọa đàm nào về CTX đều nói về lợi ích do loại công trình này mang lại. Lý do khiến CTX chưa phát triển tại Việt Nam phải chăng do chủ đầu tư chưa nhận thức đúng, chưa quan tâm đến vấn đề này?

Thế nhưng, thực tế không hẳn vậy. Điều mà chủ đầu tư quan tâm nhất là chi phí cho dự án, vì tổng mức đầu tư một dự án không chỉ là phép cộng đơn thuần những con số như vật liệu, chi phí nhân công, chi phí khấu hao máy móc thiết bị, chi phí quản lý, lãi vay ngân hàng. Bên cạnh đó, mỗi quốc gia có định mức chi phí xây dựng khác nhau, nên không thể lấy của nước này áp dụng cho nước khác. Đơn cử như tại Australia chi phí ngày công cho 1 công nhân xây dựng cao gấp 6 lần tại Việt Nam.

Ông Lê Văn Tới - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vật liệu xây dựng (VLXD) cho rằng: Do thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật cần thiết đã hạn chế đến việc sử dụng VLXD thân thiện. Chẳng hạn, việc bắt buộc sử dụng VLXD thân thiện như gạch không nung đã được quy định trong Luật, đã có Nghị định hướng dẫn thực hiện, nhưng trong đơn giá xây dựng đối với gạch không nung được tính: 1 viên gạch không nung có diện tích gấp 6 lần gạch đỏ thông thường, do đó chi phí nhân công chỉ bằng 1/6. Trong khi đó, chi phí nhân công thực tế có thể bằng hoặc cao hơn. Vì thực tế, để xây viên gạch này thì 1 công nhân không thể thực hiện được, hơn nữa còn phải đặt vị trí viên gạch cực chuẩn… Chưa kể đến, việc mỗi loại gạch không nung lại có kết cấu khác nhau về độ nhẹ, chịu lực nhưng lại không có bộ quy chuẩn cụ thể. Do thiếu những quy định cần thiết, nên chủ đầu tư tư nhân rất khó làm. 

Cần con số cụ thể

Tại Hội thảo “Phát triển CTX trong bối cảnh biến đổi khí hậu” do Hiệp hội BĐS Việt Nam tổ chức tại TP.HCM vừa qua, lập luận của bà Đỗ Ngọc Diệp - chuyên gia CTX của Tổ chức Tài chính quốc tế về loại bỏ rào cản với CTX dường như thiếu sức thuyết phục với các nhà thầu cũng như chủ đầu tư tại Việt Nam. Bà Diệp thấy “thú vị” khi đưa ra các con số từ khảo sát của Davis Langdon – tập đoàn có 100 năm kinh nghiệm tư vấn xây dựng với kết luận “không có sự khác biệt đáng kể nào giữa giá xây dựng các CTX và các công trình không theo chuẩn xanh”. Kết quả khảo sát, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững thế giới đưa ra con số về mức phụ trội giữa giá xây dựng các CTX và các công trình không theo chuẩn xanh là 17%, trong khi Hội đồng CTX thế giới là 2%. Khảo sát tại nước láng giềng Malaysia mức phụ trội không quá 5%.

Tuy nhiên, trước các khảo sát này, một số chủ đầu tư lại bày tỏ điều họ cần nhất là con số cụ thể, chứ không quan trọng việc đó “thú vị” hay không. Thực tế, đối với các dự án BĐS là nhà ở, hiện chưa ai đưa ra một phép tính cụ thể so sánh đối với từng loại chứng chỉ về CTX như: Leed, Lotus, Green Mark, Edge đang được áp dụng tại Việt Nam thì tổng mức đầu tư của từng loại chứng chỉ sẽ tăng hoặc giảm bao nhiêu % so với công trình thông thường.

Mức tăng này thường do các doanh nghiệp xây dựng dự án công bố, chẳng hạn Novaland công bố chi phí xây dựng tăng thêm 2% khi tham gia gia chứng chỉ Edge, Phúc Khang công bố mức tăng từ 7 - 15% đối với chứng chỉ Leed. Trong khi trên thực tế, đây chỉ là mức tăng tối thiểu, vì nếu không có giải pháp đồng bộ ngay từ đầu thì mức tăng có thể cao hơn nhiều.

Chuyên đề